Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Trên rất nhiều bức bưu ảnh thời Pháp bắt gặp dòng chú thích Village du Kinh Luoc. Bạn biết gì về vị quan đầu triều thời Nguyễn và khu thái ấp của ông ta? 


Công trình trong hai bức bưu ảnh trên giống nhau đến mức người ta dễ kết luận chúng là một nếu không để ý đến những dòng chú thích "La pagode de Vua Le" và "Monument funéraire du Kinh Luoc".

Kiến trúc nhà bia và trụ đá đặt tượng vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm được sao chép và đưa vào một công trình được xây dựng để suy tôn chính mình của một nhân vật đã đi vào lịch sử với tội danh hợp tác đắc lực với thực dân Pháp trong việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa - Kinh lược sứ Bắc Kì  Hoàng Cao Khải (vice roi - phó vương - theo cách gọi của người Pháp. 

Ấp Thái Hà

Theo TS Bùi Xuân Đính trên trang Đông Tác ấp Thái Hà là phần thưởng của thực dân Pháp dành cho Hoàng Cao Khải. Dù đã có dinh thự trong thành phố (entry trước), vị phó vương muốn lập một khu thái ấp để nghỉ già. Ấp được xây dựng năm 1893, gồm rất nhiều công trình kiến trúc dinh thự, lăng mộ, đình chùa...nằm rải rác trên một không gian rất rộng phía bên trái gò Đống Đa, kéo dài từ phố Đặng Tiến Đông ngày nay tới tận Trường cán bộ Công Đoàn Hà Nội.

Vì khu ấp nằm trên thế trũng, chủ nhân cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn.

Khu dinh cơ của Hoàng Cao Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc Đông Nam đường cái gồm tư dinh nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao. Phần đất ngoài tư dinh được chia thành lô bán cho các quan lại cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu quý tộc.

Dân chúng được khuyến khích làm nhà ở xung quanh chùa Đồng Quang, dọc hai bên đường cái, tạo nên một đoạn đường phố tấp nập. Đường tầu điện chạy ngang khu thái ấp dẫn vào tận Ngã Tư Sở. Từ đầu thập kỷ 10 của thế kỷ XX, nhiều cơ quan thuê nhà trong ấp để đặt trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Địa chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học. Năm 1927, người Pháp cho lập một trại thu nhận trẻ lang thang tại đây.

Nhiều công trình trong ấp hiện diện trên các bức bưu ảnh chụp từ cuối thế kỉ XIX đến những năm 30 thế kỉ XX giúp ta hình dung về sự huy hoàng của nó


Sau CMT8, khu thái ấp về tay chính quyền nhân dân, dù được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng trên thực tế nó đã không được bảo quản, nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đã bị phá, những chiếc cổng, bờ tường cao không cản được làn sóng người "nhảy dù" vào đây sinh sống . Cùng với thời gian, quần thể kiến trúc "Village du Kinh Luoc" gần như đã biến mất hoàn toàn giữa một biển dân cư phường Trung Liệt.

Lối vào khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, đối diện với trường Đại học thuỷ lợi, giờ là con hẻm ngoắt nghéo, bị ép chặt bởi những ngôi nhà dị dạng. Khi được hỏi, những sinh viên chờ xe bus không hề biết cách chỗ mình đứng không xa có một khu lăng mộ được các nhà sử học Việt Nam gọi là thành nhà Hồ thứ hai, còn người Pháp đánh giá là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Lăng Hoàng Cao Khải 

Tuy không sánh được với lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn ở Huế về quy mô, nhưng lăng Hoàng Cao Khải được đánh giá là công trình kiến trúc đá đặc sắc. Vì những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, ngày 25-11-1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp. Bộ Văn hóa Thông tin cũng đánh giá: Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương...Nhưng trên thực tế sự lẫn lộn trong việc đánh giá một nhân vật trong quá khứ với giá trị văn hoá lịch sử của một công trình kiến trúc là nguyên nhân làm cho khu di tích này mất tích.

Những đoạn tả khu lăng mộ Hoàng Cao Khải của những thế hệ người khác nhau từng sống tại nơi này.

"Bước qua cổng ấp, thẳng trước mặt chúng tôi và ở tít tận đằng xa là Dinh cụ Quận - Trong "Ăn Tết bên ngoại" Văn Ngọc kể về những kỉ niệm thời thơ ấu trước CMT8 Nhưng trước khi tới đó, chúng tôi còn phải đi qua một chỗ có cái đài bằng đá hoa cương nhẵn bóng, màu thẫm, bệ hình tròn, cao độ 60cm, đường kính độ dăm thước, có bậc để đi lên, ở giữa đài là một cây cột trụ đúc bằng gang, có đường chỉ trang trí như một thức cột. Bao giờ chúng tôi cũng dừng lại để trèo lên đây đùa nghịch một lúc, bắt mẹ chúng tôi phải chờ đợi. Nhưng đi mấy bước nữa, đến gần dinh cụ Quận, thì chúng tôi chẳng còn dám ho hoe, nghịch ngợm nữa. Không hiểu sao, cái không khí lạnh lẽo toát ra từ nơi này luôn luôn làm cho chúng tôi hãi sợ, có lẽ vì hình ảnh cái chiêng và cái trống nằm ở hai đầu hiên vắng ngắt, và đã phủ một lớp bụi thời gian, khiến cho chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những vụ xử trảm rùng rợn đã từng xảy ra ở nơi này thời cụ Quận còn sống. Người dân ở đây đồn rằng, đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng chiêng rất bi ai từ trong dinh ngân ra!" 


Cây cột Văn Ngọc nhắc đến hiện diện trên rất nhiều bức bưu ảnh thời ấy, chủ nhân thái ấp có ý gì khi sao chép và dựng trong khu lăng mộ của mình một bản sao trụ đá đặt tượng vua Lê (xem entry trước), nhưng trái với mong muốn, cây cột đã không tồn tại với thời gian, không rõ công trình này bị phá bỏ khi nào vì không thấy bóng dáng nó trong đoạn hồi kí của một người Hà nội tả khu lăng thập kỉ 60.

"Đối diện với cổng trường đại học Thuỷ Lợi ngày nay là cổng chính vào lăng Hoàng Cao Khải. Phía ngoài đường cái (đường Nguyễn Trãi ngày nay) là một bức tường rào phía trước lăng, cao đến hơn 4 mét, dài cả trăm mét, ở chính giữa là cổng vào lăng làm bằng sắt rất lớn với những hoa văn đúc bằng gang, hai cánh mở ra hai bên rộng đến mức ô tô tải vào được. Qua cổng là một con đường lát gạch đinh rộng khoảng 4 mét dẫn vào bên trong, hai bên là vườn nhãn và thảm cỏ xanh tốt quanh năm. Ngay lối vào lăng ở phía bên trái là mộ của con gái út Hoàng Cao Khải, cạnh mộ có hai cây roi to, quả rất ngon. Quá một chút là mộ con gái thứ của ông ta xây bằng gạch và xi măng.

Con đường dẫn vào thẳng đến một cái hồ bán nguyệt tuyệt đẹp ở trung tâm của lăng, vòng cung hướng ra ngoài, có bờ gạch xây cao lên cách mặt đất 40 cm rất sạch sẽ, bờ bao quanh hồ xây gạch đinh xuống đến tận đáy, trên thành hồ có những hốc thoát nước hình vuông cách đều nhau khoảng 30 mét để thoát nước ra ngoài khi hồ quá đầy vì một lý do nào đấy. Dưới hồ trồng sen, nước trong hồ trong suốt và rất sâu. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong nơi người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, không ai được phép rửa ráy hay tắm giặt ở đây. Người ta có thả cá chép trong hồ, không phải để ăn mà là để kiểm tra chất lượng nước.

Đối diện với lối lên xuống hồ là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, rất lớn và hoành tráng, trần cách sàn hơn 4 mét, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng và rất mát, trẻ con leo lên đó ngồi dăm bảy đứa thoải mái. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ta ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo.

Phía trước mộ là hai hàng lính đá mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác."

Để ý các bức ảnh trên sẽ thấy ban đầu mộ (hoặc mộ chờ) của vợ chồng Hoàng Cao Khảo để lộ thiên trên một nền đá có tường bao, bờ tam cấp dẫn lên được trang trí bằng hai khối đá tạc hoa văn cách điệu hình rồng, về sau một toà lăng được dựng bên trên, toà lăng này còn tồn tại tới ngày nay.

Tiếp tục lời kể: "Phía sau mộ là một quả đồi khá cao, trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8 mét từ chân đồi thẳng lên đến tận nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc. Có một dạo người ta lấy nơi đây làm nhà mẫu giáo. Ngày hai buổi sáng, chiều các bé cùng phụ huynh phải leo bậc thang mệt đứt hơi, sau vì bất tiện mới bỏ. Bên phải mộ Hoàng Cao Khải là mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém."

Và những gì diễn ra sau khi khu thái ấp này được công nhận là di tích quốc gia?

"Trước 1963, nơi đây thường được các trường ở Hà Nội chọn làm nơi cắm trại cho học sinh. Ngày thường ở đây rất vắng vì trong khu vực lăng chỉ có vài gia đình sinh sống ở mép rìa bên phải và bên trái phía sau lăng. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào một buổi tối mùa đông năm 1964 khi những người sống gần đó nghe thấy một tiếng động lớn từ phía lăng mộ Hoàng Trọng Phu. Sáng ra mới biết có kẻ đã phá mộ để tìm của. Rồi khu lăng mộ được canh gác cẩn thận nhưng số người tò mò ngày càng tăng. Khi giặc Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc, khu lăng mộ yên tĩnh và tuyệt đẹp này bắt đầu bị xáo trộn bởi những người không biết ở đâu đến dựng nhà và ở luôn. Vì chính quyền không can thiệp nên làn sóng người đến chiếm đất làm nhà ngày càng tăng. Đến khi giặc Mỹ ném bom Khâm Thiên thì hàng loạt gia đình trên phố đổ bộ vào lăng Hoàng Cao Khải và đường vào Chùa Bộc là hai nơi hoang vắng bậc nhất thời bấy giờ. Tất cả các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ bị xâu xé tan hoang, đất bị chiếm, hồ bị lấp, cây bị chặt, đồi bị san. Cái con đường bé chỉ đặt vừa bàn chân của những người đi cúng chùa Bộc tạo nên bỗng chốc biến thành một cái xóm có tên nôm na là Xóm Liều bởi ở đó người ta từ nhiều nơi đổ về dựng nhà dựng cửa sinh sống, chả còn gì để mà không liều. Thời chiến tranh mà, thông cảm. Ai chứng kiến cảnh này vào thời đó thì biết rõ một điều là xét về nguồn gốc thì những gia đình sống trong phạm vi lăng Hoàng Cao Khải và đường Chùa Bộc ngày đó không ai có một tờ giấy lận lưng cả. Tất cả đều nhảy dù vào hết. Sau này, mọi thứ giấy tờ, bằng khoán, chủ quyền nhà đất của họ đều là hợp thức hoá cả thôi. Tiếc thay, một công trình tuyệt mỹ đã bị san bằng. Kể ra thì cũng khó bảo tồn: Hoàng Cao Khải là quan đầu triều của triều Nguyễn làm tay sai cho Pháp có nhiều nợ máu với dân thì làm sao có thể bảo tồn lăng mộ của ông ta truyền lại cho hậu thế tương tự như các ông vua ở kinh thành Huế được. Có tiếc chỉ là tiếc cái tài hoa, khéo léo, công sức và trí tuệ của những người thợ thủ công ngày xưa. Nhà tôi sống ở cạnh đó, cách cái lăng này có một cái hồ nhỏ, ngày nào chả qua đây trèo roi, câu cá nên thuộc lòng từng vết nứt của các viên gạch, từng nét khắc hoạ trên đá, từng cái bướu trên cây. Ờ, mà cá chép trong hồ sen này cực ngon nha, dưới hồ chỉ toàn sen, lơ thơ vài cọng rong đuôi chó, nước thì trong vắt, có gì ăn đâu, thế mới lạ. Thôi, tất cả đã qua rồi."

Thuộc thế hệ con cháu bác Thảo Nguyên, nhưng tôi còn nhớ rất rõ khu lăng này. Hồi học trường Trung Liệt (phía sau gò Đống Đa), các bạn trong lớp tôi phần lớn là dân Thái Hà và xóm liều Chùa Bộc, những buổi nghỉ học chúng tôi thường lang thang sang lăng chơi hay đi xem thi bơi ở bể bơi Đống Đa, ấn tượng về khu lăng trong tôi là một cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn. Không biết bao nhiêu lần tôi đã hỏi dám bạn "thổ dân" trong cái quan tài đá kia có xác người không, và cũng chưa bao giờ tôi dám đá bóng ở cái khoảnh sân có mấy ông quan bằng đá đứng nhìn.

Hơn ba năm quay trở lại nơi này, cái cảm rờn rợn ấy vẫn không mất, thêm vào đó là cảm giác rùng mình vì sự man rợ của con người


Hồ nước trong và sâu với cái tên mỹ miều Tẩm Nguyệt (Dầm Trăng) giờ trở thành hồ chứa nước thải, bám quanh nó là một các chợ ồn ào, bẩn thỉu với đủ các loại hàng quán, dịch vụ.

Lối xuống hồ bị bịt bằng những thứ phế thải. Khó khăn lắm mới nhận ra lăng Hoàng Cao Khải mầu đá xám chìm nghỉm dưới những ngôi nhà, quán nhậu. Một tấm biển "Sân chơi trẻ em" treo trước lăng.

Công trình phúc lợi công cộng mang tên "Sân chơi trẻ em". Lăng bị biến thành Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9 phường Trung Liệt. Tất cả các khoảng trống của kiến trúc đá được bịt kín bằng gạch, lỗ hoa và cửa sắt, một lớp nước xi măng được quét lên giả mầu đá.

Không khí thê lương bao trùm phía trong những bít bùng này. Bàn ghế phủ bụi lỏng chỏng khắp nơi, vương vãi bên hai cỗ quan tài đá - phần mộ của vợ chồng Hoàng Cao Khải - vài cọng chân hương chuột xô đổ.

Vỡ mẻ nham nham một bậc tam cấp với hai bờ đá tạc khối mây hình rồng ám những vết khói vì hoá vàng, có vẻ như hậu duệ của dòng họ này vẫn qua đây thắp hương cho người đã chết


Quan quân xếp hàng tám vị giờ còn ba, bị chôn chặt vào nền bê tông đến quá đầu gối, 

sứt sẹo,


nham nhở

Còn cái vật nằm chơ giữa vũng nước nước rửa bát trước nhà hàng kia chẳng nhận ra là mảnh vỡ còn lại của thứ gì: chẳng phải người, cũng chẳng phải ngựa, voi ...

Lăng Hoàng Trọng Phu

Cách lăng Hoàng Cao Khải chừng 100m là lăng Hoàng Trọng Phu - tổng đốc Hà Đông, con trai cả của Hoàng Cao Khải


Không thể có được một bức hình toàn cảnh lăng vì mọi hướng đều bị che khuất bởi những ngôi nhà chen chúc nhau trên con đường ngoắt nghéo đầy hàng quán. Với những vòm cửa bị bịt, lăng đã biến thành "tư dinh" của một hộ gia đình ba thế hệ

Mọi sinh hoạt hàng ngày từ ăn ngủ, yêu đương, sinh con đẻ cái đều diễn ra bên cái quan tài đá từng bị bọn đạo trích cậy phá tìm của. Người sống và người chết chung nhau nơi cư ngụ. Bà chủ hộ từng kể với báo chí dạo đầu thấy ngài về, đi đi lại lại khắp nhà, con dâu cả của bà sợ hãi phải bỏ về quê. Rùng mình!

Trăm năm đá bắt đầu mòn


Bức tường bít lăng được tận dụng làm Bảng tin tổ dân phố


Khói bếp


và quảng cáo

Hoàng Cao Khải chỉ tạc hai bờ mây cách điệu hình rồng (Vân hoá rồng) cho lăng mộ của mình, nhưng con trai ông tạc cho mình hẳn một đôi rồng. Đâu mất một con?


Đây! Nó bị giam sau rào sắt của gia đình này

Khu đền thờ Hoàng Cao Khải

Cách khu lăng không xa là khu đình thờ của họ Hoàng 7 gian, lớn hơn tất cả những ngôi đình trên địa bàn Hà Nội. Trước cửa đình là một hồ vuông diện tích vài trăm mét vuông, bờ bó bằng đá xanh,  quy mô lớn hơn hồ vuông ở Văn Miếu. Vào dịp sinh nhật mình hoặc khi có việc vui, các dịp khánh tiết, chủ thái ấp thường tổ chức các chầu hát, quan lại các tỉnh về dự khá đông, có cả bơi thuyền tại hồ vuông. 

Một dãy nhà cao tầng bám theo mặt phố Đặng Tiến Đông ngăn cách Hồ Vuông với gò Đống Đa 


Thể hiện tính khí chủ nhân, đôi rồng trên mặt hồ trông rất hung dữ


Khu đình thờ dòng họ Hoàng giờ là phân viện Nguyễn Ái Quốc


Những tấm biển: Phòng đọc, nhà A, Nhà B cho thấy công năng sử dụng công trình này đã thay đổ. Biết đâu đó lại là điều may mắn giúp công trình này tránh được sự tàn phá thê thảm của người dân nơi đây

Hành lang khu điện. Một cảm giác ghê sợ khi nhìn những hình rồng nhe răng há miệng đỏ lòm. Những hình trang trí trên gạch lát có nói lên điều gì về chủ nhân khu thái ấp?

Photo by ttnhan
Location: Thai Ha Hamlet - Tây Sơn street

BONUS

Dù bức ảnh dưới không rõ năm chụp và với dòng chú thích chung chung " Tombeaux Annamites à Thai Ha Apva, nhưng nó xác nhận một điều: chủ nhân khu thái ấp đã nhiều lần thay đổi kiến trúc và quy mô khu lăng mộ

Update 07/02/2010

Phần trên của bài viết có đặt ra câu hỏi không rõ cây cột trụ biểu bị phá bỏ khi nào, câu trả lời là sau ngày 10/10/1954 vì trong loạt ảnh Last Days of Hanoi của phóng viên ảnh Howard Sochurek có một bức chụp cảnh dân chúng khu Thái Hà ấp chào đón các các bộ Việt Minh vào tiếp quản Thủ đô. Trong bức ảnh này dễ dàng nhận ra thấy vào ngày 10/10/1954 cây trụ biểu này vẫn còn tồn tại

Photobucket

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng