Những khoảng khắc đời sống xưa

Từ một đất nước văn minh, những người Pháp đến Việt Nam thế kỉ trước háo hức ghi vào ống kính cảnh vật xung quanh, những khảnh khắc đời thường, như một phương cách chia sẻ cảm giác khám phá với bạn bè, người thân nơi cố quốc. Với người Việt nam chúng ta, khi xem những tấm ảnh này, đều nhận thấy một điều: quá ít đổi thay trong đời sống gần một trăm năm qua.

Photobucket

Habitations sur Pilotis. Pont , Bateaux, Déchargement de Marchandises. Khánh thành năm 1902, cầu Long Biên, biểu tượng của nước Pháp ở xứ Đông Dương, đã chứng kiến biết bao nhiêu biến cố lịch sử. Dòng chảy sông Hồng thay đổi nhiều từ thởu ấy. Cuộc đời của những con gắn với dòng sông này vẫn nhọc nhằn vất vả theo con nước vơi đầy. Những chiếc thuyền, quang cảnh bốc dỡ nông sản đâu khác nhiều những xóm chài với những bè cá ngày nay. Đã có một thời người Pháp quy hoạch Hà nội hướng ra sông Hồng, để rồi một thời lại quay lưng với dòng sông sắc đỏ. Liệu dự án của người Hàn có trả lại cho sông Hồng vị thế đã mất của nó?

Photobucket

Coin du Marché trés Animé. Ngày 13 tháng 9 năm 1900 tuyến tầu điện đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê đưa vào chạy thử. Sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp, năm 1906 làm đường Bờ Hồ - Chợ Mơ. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi. Năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Trong năm 1929 đó có thêm được tuyến Yên Phụ - ngã Tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) nâng tổng số tuyến đường tầu điện lên 6 tuyến: từ ga Trung tâm Bờ Hồ toả ra lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng. Hệ thống tuyến tầu điện qua các cửa ô nôi nối nông thôn với nội thành, thúc đẩy lưu thông hàng hoá. Cái góc chợ náo nhiệt này chắc hẳn sôi động thêm mỗi khi có tiếng leng keng tầu điện. Đời sống đô thị đang dần thay đổi, những ngôi nhà xây thế dần những ngôi nhà tranh vách đất. Trang phục của phụ nữ chuyển đổi dần từ  những bộ áo tứ thân nâu sồng sang những chiếc áo cánh mầu sáng, nón lá xen lẫn nón quai thao. Một bức ảnh đẹp với chuyển động của những gánh gồng trên phố... Và tiếng leng keng tầu điện đã vĩnh viễn trở thành quá khứ vào năm 1991. 

Photobucket

Gros Plan du Marché. Người ta nhìn vào cái chợ để biết sức khoẻ của nền kinh tế và đời sống người dân. Người nông dân ngoại ô lật đật với những gánh rau muống, khoai lang, dân phố thị sung túc hơn mở những cửa hàng buôn bán tạp hoá. Kẻ mua, người bán đều tảo tần, bươn chải. Kí ức tuổi thơ ai còn lưu giữ hình ảnh những em bé, bám váy mẹ, váy bà đi chợ trong câu hát "Bà còng đi chợ trời mưa/ Cái Tôm, cái Tép đi đưa bà còng..."

Photobucket

Marchande en Gros Plan. Khi dựng những bộ phim xưa, các đạo diễn Việt nam thường mang những cái to tát để biện hộ cho việc ít chú trọng đến trang phục và hoàn cảnh sống của các nhân vật. Mọi thứ đều ước lệ, từ trang phục, bối cảnh đến hoàn cảnh sống của các nhân vật, ước lệ đến phản cảm. Liệu có ai đó nghĩ, có thể, người ta xem những bộ phim đó để có một sự hình dung chân thực và chính xác về một đời sống đã qua, như những bức ảnh này.

Photobucket

Jeune Marchande . Phía trước ngôi nhà tranh vô cùng đơn sơ được dựng trên một nền đất cao, một cô bán hàng trẻ măng nép mình tránh rét trong góc khuất của trụ cột điện và tấm liếp tre. Hình như không có nhiều người mua hàng trong tiết gía mùa đông. Cô ngước lên nhìn người chụp ảnh. Khoảnh khắc trước đó những tiếng tí tách phát ra từ tấm bánh đa phồng rộp trên trên bếp than hoa bốc lửa đỏ dưới mỗi động tác quạt của cô. Mùi thơm của những tấm bánh đã nướng, hơi ấm của bếp lửa hồng như xua đi cái giá lạnh. Kí ức ngọt ngào thời thơ bé "Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng". Theo năm tháng, rất nhiều thứ đã trở thành kí ức: những đơn vị tiền tệ người Việt đã từng sử dụng: trinh, xu, hào, đồng, trăm... hoặc còn lại rất ít như những cây cột điện kết cấu sắt gắn liền với khái niệm Hà nôi thuộc Pháp xưa. 

Photobucket

Brouette. Xe kút kít sứ Đông Dương rất thu hút sự chú ý của người Pháp. Họ chụp và phát hành nhiều tấm bưu ảnh về loại sản phẩm "Made in Vietnam" này. Có những khách hàng còn ghi chú giải thích chi tiết từng bộ phận của xe. Sự hiếu kì dành cho chiếc xe cút kít của họ giống như sự hiếu kì của du khách nước ngoài ngày nay khi cố chụp Mr. Tủ lạnh ngồi sau gã xe ôm chạy luồn lách trên đường phố Hà nội. Một chi tiết khác trong bức ảnh: Cây cột đèn. Tiến tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà nội đang bỏ tiền ra để dựng lại những hàng cột đèn nhái lại kiểu xưa.

Photobucket

Groupe de Jeunes Gens. Dãy nhà tranh, mái lợp lá gồi, tường dựng bằng liếp tre. Ngày xưa vật liệu dựng nhà hoàn toàn lấy từ thiên nhiên: tre nứa, lá gồi, rơm, bùn đất. Trang phục, kiểu tóc của đám thanh niên tụ tập trước nhà đã thay đổi, hiện đại nhiều so với các bức ảnh chụp đầu thế kỉ. Chiếc xe đẩy bằng mây trong ảnh mới biến mất khỏi đời sống thời gian gần đây.

Photobucket

Jeune Mendiante et son Bébé. Rách rưới, bẩn thỉu, bà mẹ trẻ bế con đứng trước cổng ngôi đền, nơi con người dễ mở lòng từ tâm trước cảnh khốn cùng của đồng loại. Không khí u tịnh trên những bậc thềm phủ đầy lá khô. Có lẽ người đàn bà trẻ đứng đây đã lâu, những ngón chân bám chặt xuống mặt đất, khuôn mặt đau khổ cúi gằm, bàn tay chìa ra nhẫn nại. Cái đói và sức sống khắc hoạ qua hình ảnh đứa bé hau háu nhay bầu vú mẹ. 

Photobucket

Travaux au Bord de l'Eau. Hà nội có nước máy cũng cả một trăm năm. Nhưng bức ảnh này không muộn đến thế. Phố xá với những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp ngày nay đã trở thành di sản của Hà nội. Đám con trai bên máy nước công cộng để kiểu tóc rẽ ngôi giữa của thập niên 30. Heo may xe xe lạnh hiển hiện trên lớp áo kép và tấm khăn chùm đầu của đám con gái. Mùa đông sắp về trên những cành bàng trụi lá. Không gian dường như vang vọng tiếng ồn ào va chạm của những chiếc thùng tôn, tiếng nước chẩy ồ ồ...

Photobucket

Le Travail dans la Rue. Người dân thành phố với những sinh hoạt ngoài đường. Quá trình giao thời đang diễn ra trong lối sống của người dân đô thị: Tóc búi vấn khăn bên những mái tóc ngắn khoẻ mạnh, mũ phớt, giầy tây hiện diện quanh cái chõng tre. Trang phục của cánh đàn ông cũng cho biết nghề nghiệp của họ: gấu quần khác mầu là kiểu đồng phục của các anh phu xe.

Photobucket

Cureur d'Oreille dans la Rue. Cuối thế kỷ XIX, hầu hết đàn ông đều để tóc dài, búi gọn thành búi tóc. Khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp đề ra phong trào để tóc ngắn. Các thân sĩ, các nhà nho yêu nước kịch liệt phản đối việc cắt để tóc ngắn. Ngắn hay dài tranh cãi mấy chục năm. Sang thế kỷ XX, Thành Thái, vị vua trẻ, thức thời, tiến bộ ủng hộ phong trào cắt tóc ngắn. Ông là người đầu tiên cắt đi cái búi tóc ngàn đời. Từ khi có phong trào cắt tóc ngắn trong xã hội xuất hiện nghề cắt tóc. Đường phố, làng xã xuất hiện những người thợ cắt tóc dạo. Nghề cắt tóc, lấy ráy tai rất phát tài nhờ lượng khách đông đảo. Cái đúng cuối cùng cũng thắng: ở xứ nhiệt đới cắt tóc ngắn vừa mát, vừa văn minh, vừa chống được chấy rận.

Photobucket

La Vie dans la Rue. Các ngành dịch vụ ở Hà nội có truyền thống diễn ra trên đường phố. Việc xem ngày, giờ tốt cũng không phải là ngoại lệ. Rõ ràng, vẻ ngoài đạo sĩ của "ông thầy" rất có tính thuyết phục. Thái độ kính cẩn, nghiêm trang, nghe như nuốt từng lời của khách hàng cho thấy anh đặt toàn bộ sự tin tưởng của mình vào lời phán của thầy. Cái quạt giấy trong tay anh ngừng phe phẩy. Chẳng hiểu trong số mấy việc trọng đại đời người đàn ông, anh định tiến hành việc gì: tậu trâu, cưới vợ hay làm nhà?

Photobucket

Beau Plan de Marchands. Một tập hợp đầy âm thanh của các gánh hàng rong xưa: một quán nước bên đường, một gánh hàng tào phớ, một xe bán dầu hoả, một hộp kính trưng bầy kẹo kéo. Đâu đó, rất sâu trong kí ức, chập chờn, nhưng rất rõ nét, những âm thanh sống động: tiếng rao tào phơ...ơ...ớ dài suốt con phố; tiếng kéo khua tanh tách đầy nhịp điệu trước khi cắt ra mẩu kẹo trắng muốt; tiếng những cây thăm khắc trên đó số lượng cây kẹo trúng thưởng va lách cách giòn tan vào cái ống tre; và tiếng chuông lúc lắc theo nhịp đẩy của chiếc xe bán dầu... Tất cả những âm thanh ấy thu hút đám trẻ con từ các ngõ xóm chạy tới, thèm thuồng và háo hức... Hãy nghe Wikipedia tả về kẹo kéo: "Kẹo kéo là món ăn vặt rẻ tiền, thường được bán rong lại có những cách bán hàng hấp dẫn nên đã từng được trẻ em, học sinh rất ưa thích. Điểm đặc biệt của kẹo kéo là mặc dù nó rất dẻo, dễ kéo dài nhưng khi đã tạo thành thanh nhỏ thì lại trở nên giòn khi bị lực tác động vuông góc với nó. Do vậy khi có khách, người bán dùng vải lót tay rồi kéo kẹo dài ra cho đến khi được một thanh kẹo đạt kích thước phù hợp (thường dài 5-10 cm và to như cây bút viết) thì dùng ngón tay trỏ chặt một cái mạnh và dứt khoát lên thanh kẹo khiến nó gãy rời ra kèm theo một tiếng "rắc" rất thú vị. Để hấp dẫn trẻ em, người bán thường cho chúng thực hiện động tác này khi mua kẹo. Người bán kẹo kéo rong còn có thể đổi kẹo kẹo lấy các loại phế liệu (giấy loại, sắt vụn,...) thậm chí kích thích trẻ em bằng cách mang theo một bàn quay số đơn giản, khi trả tiền xong, khách quay được số nào thì nhận số thanh kẹo tương ứng."

Photobucket

Jeunes Marchands. "Tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong; hình ảnh người bán hàng gánh một đầu là thùng tào phớ, đầu kia là một chạn nhỏ rong ruổi khắp các con đường, miệng rao " Ai...phớơơ đây" trở nên quen thuộc tại thành phố này... Tào phớ thường được bắt gặp vào mùa hè, do đây là một đồ ăn "mát, giải nhiệt". Một đầu quang gánh treo một chiếc chạn nhỏ đủ đựng dăm bảy chiếc bát, với một bình nước đường và một xô nhỏ nước tráng. Đầu kia là thùng đựng tào phớ. Thùng đựng tào phớ thường được làm bằng gỗ ghép đóng đai. Tào phớ đựng trong thùng còn nóng hàng giờ. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng tôn nhỏ, đồ dùng để hớt xưa thường gặp là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh lớp xà cừ, nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi (thả trực tiếp vào bình đựng). Nước đường ấy chan ngập bát tào phớ. Người ăn có thể húp một hơi, cũng có thể dùng thìa dầm nhẹ tào phớ ra rồi xúc ăn. Mùa hè, có thể thêm đá vụn vào bát ăn cho mát. Sau loại thùng gỗ, đồ hớt tào phớ cũng được thay thế bằng kim loại, tuy nhiên tào phớ vẫn được ưa thích. Người bán tào phớ rong có thể thường là nam giới với tiếng rao khoẻ và vang vọng. "

Photobucket

Marchands dans la Rue. Nghề đúc đồng làng Ngũ Xá bên hồ Tây. Những ngưòi phụ nữ đang thực hiện công đoạn chế tạo loại khuôn mẫu từ đất sét. Chỉ thua kém nam giới trong những công việc đòi hỏi sức mạnh cơ bắp, họ vượt trội lên trong những công việc cần sự cần cù, khéo léo, dẻo dai. Cho tới nay, người nước ngoài vẫn đánh giá cao vai trò của người phụ nữ Việt trong nền kinh tế.

Photobucket

Vieille Marchande. Một quán nước đơn sơ với bộ bàn ghế bằng tre kê bên gốc đa, trơ trọi trên đó một chiếc ấm tích, chiếc bát uống nước, chiếc điếu cày. Cụ bà chủ quán trong bộ áo cánh vá chằng vá đụp đang dọn hàng. Chẳng rõ trong đôi thúng của cụ chứa đựng món hàng gì để bán cho đám dân cày khi họ dừng chân nhỉ ngơi. Cái nồi đất - vật dụng tương đối lạ mắt - giờ cũng đi vào các quán cơm niêu máy lạnh


Photobucket

Transport de Marchandise à l'Indochinoise. Giống như việc chèo thuyền bằng chân, nhiều động tác lao động của người dân đạt đến trình độ điệu nghệ.  Ghi chú của bức ảnh này: "Cách vận chuyển hàng ở xứ Đông Dương". Một chiếc thúng nặng chĩu cần đến hai người nhấc đặt lên đầu, vậy mà những người phụ nữ Việt nhỏ nhắn này có thể đội chúng đi bộ vài cây số tới chợ. Hai tay buông tự do, nhịp nhàng khua giữ thăng bằng, vừa đi họ vừa trò chuyện râm ran. Người châu Âu không chỉ thán phục mà còn nhìn thấy trong  chuyển động ấy sự uyển chuyển của vũ điệu.

Photobucket

Dong Dang , 3 Marchandes. Cảm nhận được cái nhìn thiện cảm, tôn trọng của người bấm máy, những người phụ nữ Đồng Đăng dừng bước, cho phép chụp ảnh. Mọi thứ rất tự nhiên, từ dáng điệu đến nét mặt của các nhân vật.

Photobucket

Porteuse. Nắng sớm sáng loá mặt hồ. Có vẻ như người phụ nữ này vừa kết hợp việc đi chợ sớm với việc giặt quần áo. Cho tới ngày nay, ao hồ vẫn là nguồn nước sinh hoạt của nhiều vùng dân cư, họ vừa tắm giặt, và lấy nước sinh hoạt luôn ở đó. Liệu những bè rau, mảng bèo có giúp lọc bớt độ bẩn của nước.

Photobucket

Rue Typique , Enfant, Chien, Cochon, Drainage. Một xóm nghèo điển hình với những ngôi nhà vách đất lợp rơm rạ. Liếp chống nắng dựng trước nhà, khung cửa với bậu tre mở toang, dường như chẳng có tài sản gì quý để mất trộm. Người lớn đi kiếm sống, trên con đường đất gập ghềnh với hai bên là cống rãnh, chỉ còn đám trẻ con thả rông cùng đám chó lợn nhẩn nha kiếm thức ăn. Ngày nắng đã vậy, không rõ ngày mưa còn buồn thảm đến đâu.

Photobucket

Village Chinois de Camphrat(?) Một làng người Hoa ở Cẩm Phả(?). Người Trung Quốc di cư sang Việt nam từ lâu đời, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Người Việt thường gọi họ là người Tàu, một từ bị cho là mang tính miệt thị, nguồn gốc của từ này được giải thích là vì họ thường qua Việt nam bằng tàu... Chắc chắn một vùng biển gần Trung Quốc như Cẩm Phả thì có rất đông người Hoa cư trú. Chính sách mộ phu lao động của người Pháp cho các mỏ than vùng này cũng làm gia tăng sự quần tụ đông đảo người Hoa. Làng của họ có phần khác so với những xóm người Việt:  trước cửa nhà dựng thêm một hàng rào với chiếc cổng kín đáo. Liệu đó là do tập quán sinh hoạt, tính cách kín đáo hay sự e ngại bị kì thị trước những người láng giềng khác tộc?

Photobucket

Vieux Porteur d'Eau . Một cụ già gánh nước

Photobucket

Buffle Labourant une Rizière. Nông thôn Việt nam hàng trăm năm qua đâu mấy đổi thay trong câu ca dao: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Vẫn gầu sòng, gầu dây, vẫn nhẫn nhại đi theo đít trâu, vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cách canh tác với những dụng cụ lao động ấy đáng lẽ chỉ còn tồn tại trong sách vở hay vốn từ vựng xưa, vậy mà chúng vẫn tồn tại đến ngày nay, như một sự bảo tồn văn hoá hay cách thức thu hút sự hiếu kì của khách du lịch ngoại quốc.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng