Hà Nội Xưa - Phố Hàng Buồm


Phố Hàng Buồm (Rue des Voiles) dài khoảng 300m, nằm theo hướng Đông - Tây. Đầu phía Đông của phố nối vào phố Mã Mây tại ngã tư với phố Đào Duy Từ, đầu phía Tây là ngã tư với ba phố: Hàng Đường, Hàng Ngang và Lãn Ông. Cắt ngang phố là phố Hàng Giày và phố Tạ Hiện.

Photobucket

Phố Hàng Buồm xưa thuộc phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng. Cư dân ở đây sống sát bờ sông nên làm nhiều nghề liên quan đến sông nước. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm... đan bằng mây, cói. Vì thế mà phố mới có tên là phố Hàng Buồm, tiếng Pháp là “Rue des Voiles”.

Phố Hàng Buồm xưa tập trung rất nhiều người Hoa đến sinh sống và buôn bán. Từ thế kỷ 19, phố này đã trở thành phố người Tàu. Theo ghi chép của các tài liệu ban đầu người Hoa tập trung ở phố Việt Đông (nay là phố Hàng Ngang), sau lan sang các phố xung quanh như Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) rồi đến phố Hàng Buồm. Buôn bán là nghề sở trường của người Hoa, mà Hà Khẩu lại có vị trí trên bến dưới thuyền thuận lợi nên phố đã trở thành nơi buôn bán và cư trú chính của người Hoa Quảng Đông.

Khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội năm 1872 phố Hàng Buồm đã rất đông Hoa Kiều và có nhà Hội Quản. Thời kì này, nhiều lái buôn người Hoa bất chấp luật pháp của triều đình, lén buôn bán với các lái buôn Pháp và có người còn làm nội gián. Vì thế, những năm biến động 1873 - 1882, Hà Nội xảy ra nhiều cuộc chiến, thành trì 2 lần bị hạ, các phố đều bị đốt phá, cướp bóc, riêng khu người Hoa ở phố Hàng Ngang, Hàng Buồm vẫn giữ được cảnh ồn ào, đông vui của một phố chợ. Phố Hàng Buồm thời kì này còn có cổng dựng chắc chắn ở đầu phố, có người canh gác ban đêm. Giai đoạn này các thương nhân Hoa Kiều làm giàu nhanh chóng và tập trung ngày càng đông ở các phố này, người Việt dần dọn nhà sang các phố khác, biến Hàng Buồm thành một "phố khách".

Photobucket

Phố Hàng Buồm nhìn từ phố Đào Duy Từ. 

Photobucket

Cổng chào dựng đầu phố chào mừng toàn quyền Alexandre Varenne sang nhận chức. Sự kiện này cho biết bức ảnh được chụp năm 1925.

Photobucket

Góc chụp từ phố Mã Mây. Gặp lại dòng quảng cáo Nhan Hoa Duong - Bán thuốc đau mắt trên đầu hồi ngôi nhà quãng đầu phố

Photobucket

Sau người Hoa chiếm lĩnh phố, các mặt hàng gắn với tên phố biến mất. Hoa Kiều mở nhiều hiệu ăn ở phố này.

Photobucket

Quang cảnh đặc trưng của China Town ở bất cứ nơi nào người Hoa quần tụ.Treo trên phố có đủ ba loại cờ: Pháp - Hoa - Việt

Photobucket


Cộng đồng Hoa Kiều

Từ thời Lê chính quyền đã cho phép người Trung Hoa từ phương Bắc di cư đến làm ăn ở Thăng Long. Theo tập quán vốn có họ cụm lại ở một khu vực. Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông là cái thế chân kiềng cho sự lựa chọn này. Thời phong kiến, triều đình Việt Nam - Hậu Lê và Nguyễn - định ra luật cư trú cho người ngoại quốc rất nghiêm. Theo lệ cũ, người Hoa được tổ chức thành "bang", hết thời hạn phải về Tầu, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, phong tục theo người Việt Nam.

Sự thay đổi các tên phố khu vực này đã thể hiện sự xâm lấn này. Người Quảng Đông thành lập cộng đồng sớm và mạnh nhất, chiếm đến hơn nửa trong số bốn cộng đồng người Hoa ở Thăng Long, là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Ham. Họ chiếm hầu hết phố Đường nhân, hay Việt Đông nên phố này còn gọi là Quảng Đông (Rue des Cantonnais), nay là Hàng Ngang. Khu người Phúc Kiến ở cũng gọi là phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông. Hai cộng đồng này chiếm lĩnh hầu hết các gian phố giao thương ở khu vực, lại mở rộng sang cả Hàng Buồm, Hàng Bạc

Đến nay, cộng đồng người Hoa không ở đây nữa nhưng nét sầm uất vẫn được giữ lại với những cửa hàng, quán ăn uống nối sang cả các ngõ phố từ Hàng Giày cho tới Tạ Hiện, Mã Mây

Photobucket

Tên phố chú thích trên bưu ảnh là phố Quảng Đông (Hàng Ngang), tuy nhiên không thấy đường tầu điện ở giữa phố như các bức ảnh cùng thời kì. Đây là phố Hàng Buồm (đoạn tiếp giáp Mã Mây và Đào Duy Từ). Ta có thể thấy trong ảnh kiểu tóc, và chiếc mũ đặc trưng của Hoa Kiều.

Photobucket

Một ngưòi phu Hoa kiều

Photobucket

Sinh hoạt trước nhà của một gia đình người Hoa.

Photobucket

Hội quán Quảng Đông (Pagode de Cantonaise) - một kiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa trên phố Hàng Buồm. Hội quán được dựng dưới thời Tây Sơn, năm 1801, trước Hội Quán ở Hội An 74 năm. Thời gian đầu, người Pháp chưa xây dựng những công trình kiến trúc, Hội Quán được sử dụng làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ.

Photobucket
 
Quang cảnh bên trong Hội quán, số nhà 22 Hàng Buồm - Hội quán của người Hoa xưa - nay là Trường Mẫu giáo Tuổi thơ của quận Hoàn Kiếm.

Đền Bạch Mã

Phố Hàng Buồm có một ngôi đền nổi tiếng , một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long, nằm ở địa chỉ số 76 -  Đền Bạch Mã

Photobucket

Một ngôi đền trên phố Sông Tô Lịch (rue Song-To-Lich). Liệu đây có phải là khu vực phưòng Hà Khẩu?



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng