Hà Nội Xưa - Phố Hàng Lược
Ngô Văn Phú
Phố Hàng Lược, một đầu từ phố Hàng Cót, cuối giáp phố Hàng Mã, dài 264 mét. Phố này cũng còn gọi là cống chéo Hà Nội... Hà Nội xưa có những chiếc cống không bắc ngang mà bắc chéo nên gọi là cống chéo.
Khâm Thiên cũng có một cống chéo... Sách “Người và cảnh Hà Nội” của cụ Hoàng Đạo Thúy ghi: “Phố Hàng Lược, trước kia làm lược. Trước đây còn một con ngòi con. Đi giáp tường chùa Tây Đen, đó là vết tích của sông Tô Lịch, từ Cầu Đông đến rồi từ đây quật lên bắc, vì vậy phải bắc một cái cống chéo với đường phố gọi là Cống Chéo. Trước kia hoa Tết bán ở chợ Đồng Xuân, rồi tràn ra Hàng Khoai, sau chiếm cả phố Hàng Lược. Từ 25 tháng Chạp trở đi, ở đây trên trời, dưới hoa, nơi tụ họp những người yêu hoa, nghĩa là cả Hà Nội... Hàng Lược có những nhà cho thuê đòn đám ma, long đình, bàn độc, các quả, xiểng, chóe dùng trong đám cưới. Dưới Hàng Lược là phố Chả Cá... (NXB Hà Nội, 1982, trang 60).
Một ngôi chùa trên phố Hàng Lược
Có lẽ trước đây phố này gồm các thợ làm và bán lược (lược thưa, lược bí) sau này thôi không bán nữa, nhưng tên thì vẫn giữ như cũ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phố Hàng Lược chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch cũ, nên thời thuộc Pháp, trước Cách mạng tháng Tám, phố được người Pháp đặt tên là phố Sông Tô Lịch (Rue de Riviere To Lich), từ lúc mang tên chữ Pháp này, đã không thấy bán lược rồi.).
Nhắc đến Hàng Lược, người Hà Nội thường nghĩ ngay đến chợ hoa Tết.
Khoảng từ 23 tháng Chạp đã lác đác có hoa bày bán, từ 25 Tết trở đi thì chợ hoa tấp nập nhất. Quất và hoa đào (chủ yếu là hoa đào) từ các làng Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm đổ về, rồi các thứ hoa Tết ở làng Ngọc Hà như thược dược, lay ơn, hoa cúc, hải đường... của hai làng hoa nổi tiếng Hà Nội là Ngọc Hà và Hữu Tiệp cũng đem ra bày bán... Thú đi chợ mua hoa Tết đã trở thành thói quen của người Hà Nội từ hàng chục năm nay... Người Hà Nội vốn thanh lịch nên đi chơi chợ hoa cũng là một thú chơi hào hoa, thanh nhã của đất Hà thành. Đi chợ hoa Hàng Lược không những được xem hoa, còn được ngắm những trai, gái Hà Nội, và kể cả các giới thượng lưu, ăn vận rất phong độ đi chơi chợ hoa. Hoa chọn được những cành đào, chậu quất, bó cúc, lay ơn hay những cành hải đường ưng ý lên xe tay, hoặc nhà gần thì đi bộ rước hoa Tết về nhà...
Chợ hoa Hàng Lược còn bày bán cả đồ đồng và đồ cổ ngồi ở phía đầu Hàng Mã, phố Chả Cá, những người chuộng đồ cổ cũng đi đi lại lại ngắm nghía nâng lên đặt xuống xem niên đại xem màu men, khá sành điệu...
Ngay cả những ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) dân tản cư không họp nhưng giở những trang báo cũ còn ghi lại ở những chiến lũy phía Hàng Lược bà con ngoại thành đất làng hoa, vẫn vượt qua nguy hiểm, đồng bào Nhật Tân, Quảng Bá vẫn gửi hoa vào cùng quà Tết tặng chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đang chiến đấu trong nội thành...
Nhà thờ đạo Hồi tại số 12 Hàng Lược
Hàng Lược, những năm chống Mỹ còn có một quán thịt chó khá ngon. Các nhà văn, nhà báo, khi có nhuận bút thường kéo nhau lên đó đánh chén. Người ta từng gặp các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Bổng, Thanh Tịnh, Xuân Thiều... và nhiều nhà văn khác có mặt tại đây.
Phố Hàng Lược giờ vẫn họp chợ hoa nhưng Hà Nội rộng lớn đã có nhiều chợ hoa khác nhưng nhắc đến chợ hoa Tết Hàng Lược thì người Hà Nội nhất là những người cao tuổi, không khỏi xuýt xoa, hoài niệm...
Ngô Văn Phú
Nhận xét
Đăng nhận xét