Hà Nội luôn soi mình trong một dòng sông
... Chính tầm khuất của con đê là một trong những nguyên nhân khiến cho những nhà quản lý "lãng quên" một không gian kề cận thành phố; khiến tại đây, chỉ trong vài thập kỷ đô thị hoá đã âm thầm nhưng lại vô cùng khốc liệt diễn ra sự hình thành một trong những không gian đô thị xấu nhất và gây nhiều bức xúc nhất cho công tác quy hoạch thủ đô Hà Nội ngày nay..."
1. Từ năm 1925, công nghệ không ảnh, sử dụng máy bay chụp từ trên cao được đưa vào Đông Dương nhằm thúc đẩy công cuộc khai thác thuộc địa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thuộc địa quan trọng nhất của nước Pháp tại Châu Á.
Những bức không ảnh đầu tiên được dành cho việc khảo sát tuyến đường trục chạy dọc bán đảo để hoàn thiện con đường hoả xa xuyên Việt và dự liệu đến một trục đường chiến lược Bắc - Nam bổ sung và thay thế cho con đường thuộc địa số 1 vốn được tạo dựng trên trục đường thiên lý có từ thời trung thế kỷ với hệ thống đường trạm được triều Nguyễn hoàn chỉnh sau khi thống nhất được lãnh thổ quốc gia vào nửa đầu thế kỷ XIX. Con đường dự kiến cách đây 3/4 thế kỷ phần nào khá trùng hợp với ý tưởng Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá - hiện đại hoá mà chúng ta đang hoàn thiện. Khoảng 500 bức không ảnh phục vụ công trình này đã được thực hiện. Nhưng công trình thì bị gác lại khi gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 rồi tiếp đó là chiến tranh bùng nổ...
Nhưng còn có một khu vực khác cũng được chính quyền thuộc địa quan tâm và thực hiện những cuộc khảo sát chụp ảnh từ máy bay. Đó là Hà Nội sau những trận lũ dữ dội đầu những năm 20. Ngày xưa để bảo vệ Hà Nội, ở phía Đồn Thuỷ, thực dân còn đặt những khẩu canon luôn chĩa sang phía bên kia sông để lúc nào nước sông Hồng dâng quá cao thì sẽ nhả đạn bắn vỡ đê quai để phân lũ sang tả ngạn cứu nguy cho thành phố. Lúc đó tuy không phải là thủ đô nhưng Hà Nội là một trung tâm hành chính quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nơi đặt Phủ Toàn quyền (cùng với Sài Gòn) và nằm trên con đường sắt huyết mạch Hải Phòng - Vân Nam, mối quan tâm hàng đầu của kinh tế thuộc địa nối Đông Dương với vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Những khảo sát của chính quyền thuộc địa trong đó có việc sử dụng những tấm không ảnh đã cho thấy sức tàn phá của dòng lũ sông Hồng đã đi tới một quyết định là đắp con đê chạy qua vùng nội thành Hà Nội. Quyết định này nằm trong một dự án tổng thể quy mô cho việc củng cố toàn bộ hệ thống đê điều của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Toàn cảnh Hà Nội bên dòng sông Hồng
Khu Đồn Thủy, là nhượng địa đầu tiên của Pháp ở Hà Nội. Năm 1891 người Pháp cho kè bờ sông và xây dưng ở đoạn cuối đường Trần Khánh Dư (Quai Rheinard) bệnh viện Lanessan, người dân quen gọi nhà thương Đồn Thuỷ (quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu nghị ngày nay).
Cũng bức ảnh trên, được phát hành vào thời gian khác. Nhờ dòng lưu bút trên ảnh ta biết trước năm 1904 khu vực này nằm ngay sát bờ sông.
Le fleuve rouge en crue (1929) - Sông Hồng mùa lũ năm 1929.
Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử ngày nay) được xây dựng đầu đường Trần Khánh Dư năm 1926. Bức không ảnh này cho thấy hệ thống đê bảo vệ Hà Nội khi đó được nâng cao lên rất nhiều.
Bị giam cầm giữa hai con đê, dòng sông vùng vẫy, thay đổi dòng chảy. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy sau hơn 100 năm, những biến đổi thuỷ văn và tác động của con người đã làm dòng sông Hồng rời rất xa bờ cũ.
2. Bạn có biết rằng, trước năm 1926,
đứng trên con đường trải nhựa, nay là trục đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chúng ta có thể thông thống nhìn thấy mặt nước của con sông Hồng. Và chạy suốt dọc từ phía Ô Quan Chưởng cho đến chỗ nay là Cầu Chương Dương, nổi tiếng với chiếc đồng hồ đặt trên một cái cột thép là các bến đậu của tàu thuyền chạy bằng hơi nước mà nổi tiếng hơn cả là bến của Hãng Tàu Bạch Thái Bưởi.
Thời đó không gian này không có đê mà chỉ có một đường kè để giữ lấy trục đường. Khi đó con đường này là một trong những trục đường đẹp và sầm uất nhất của Hà Nội. Những tên lính viễn chinh Pháp đầu tiên đến Hà Nội lập căn cứ ở khu vực mang địa danh Đồn Thuỷ, thành lập một căn cứ quân sự rồi buộc triều đình Việt Nam phải dành cho chế độ "nhượng địa" (concession). Khi Hà Nội đã lọt hoàn toàn vào tay thực dân thì hai trục đường đầu tiên xuất phát từ Đồn Thuỷ được hình thành là đường Paul Bert (tên của viên toàn quyền dân sự đầu tiên) nay là đường Tràng Tiền kéo tới Hồ Hoàn Kiếm rồi phát triển thành một khu dân cư của người Âu nối tới Nhà Thờ Lớn (nền tháp Báo Thiên xưa). Sau này khi đã phá thành Hà Nội, con đường này theo trục Tràng Thi đến Cửa Nam
tiến sâu vào phía Tây để hình thành khu Hành chính của bộ máy thuộc địa lấy tâm điểm là Phủ Toàn quyền...
Còn một trục nữa, từ Đồn Thuỷ dọc theo con sông Hồng lên phía thượng lưu ngang qua khu dân cư cũ của Hà Nội đến nơi xây mố cầu phía Nam của chiếc cầu sắt thuộc loại lớn nhất thế giới khi đó, để kéo một trục đường thứ hai đi sâu vào thành phố nối thẳng
đến Phủ Toàn quyền (Hàng Đậu, Phan Đình Phùng) tạo ra một tam giác trung tâm phù hợp với nhu cầu kiểm soát đô thịquan trọng
này.
Năm 1895, khi Hà Nội, tiếp theo Hải Phòng có đèn điện thì hàng cột đèn chiếu công cộng dài nhất được thiết lập là dọc theo con kè mà khi đó mang tên một vị Thủ tướng Pháp là ông Clémenceau. Dọc theo con kè này, các bến tàu và nhà ga xe lửa đầu cầu rồi từ đó toả vào khu chợ Đồng Xuân, Chợ Gạo và những con đường đi vào trung tâm phố phường thương mại, các trung tâm buôn bán và dịch vụ của người Hoa. Dọc con đường này cũng mọc lên những ngành công nghiệp dịch vụ đô thị kể từ nhà máy Xay ở Vĩnh Tuy đến Nhà máy nước đá, xưởng sửa chữa ôtô Xôva cho đến Nhà máy nước và Nhà máy điện Yên Phụ... Đây cũng là con đường "hóng mát" của cư dân Hà Nội đón ngọn gió sông Hồng vào các ngày hè oi bức, để đi lên cầu Sông Cái và quá chân đi lên Hồ Tây dạo đường Cổ Ngư trước kia còn nhỏ hẹp... Như thếlà đã có một thời Hà Nội là một thành phố hướng mặt ra sông Hồng.
Tháng 8 -1926, một kế hoạch đồ
sộ được triển khai nhằm khắc phục căn bản tình trạng vỡ đê ở Bắc Kỳ, đầu tư tới 16,5 triệu đồng Đông Dương, tôn cao và củng
cố 840km đê của nhiều con sông, trong đó có sông Hồng. Kể từ đó, đoạn sông Hồng chạy qua nội thành Hà Nội mới có con đê được tôn cao khuất tầm mắt người đi trên đường nhựa khiến Hà Nội bắt đầu trở thành một "thành phố quay lưng lại với dòng sông của mình". Những tấm ảnh chụp đầu thế kỷ về con đường có hàng cột đèn điện đầu tiên hay hình ảnh chụp vào ngày khánh thành con đường cho xe ôtô và đi bộ qua cầu Long Biên (khoảng 1925) vẫn chưa thấy có đoạn đê chạy dọc đường phố. Con đường đê này từ hơn một thập kỷ nay đã được "bê tông hoá" để thành con đường phân luồng để lên cầu Chương Dương song song với con đường cũ. Nhưng độ cao của nó vẫn làm khuất tầm nhìn ra sông Hồng và vẫn gây cảm giác về một thành phố quay lưng ra với dòng sông của nó.
Trục đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật chạy sát bờ sông Hồng, nơi những bè gỗ, nứa từ thượng nguồn về cập bến.
Nhiều công trình mọc lên trên trục đường này. Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được lắp đặt rất sớm. Xa xa là cầu Long Biên, khánh thành năm 1902 - một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới thời đó.
Hình ảnh cầu Long Biên được cho là chụp vào dịp khánh thành đường cho xe ôtô và đi bộ
Hàng cây trên đường lên cao. Tuy nhiên, cũng như bức ảnh trên, chưa hề thấy hệ thống đê chắn tầm nhìn ra sông. Mặt đường trải nhựa chỉ cao hơn phần đất bãi ven sông một chút.
Con đường được chụp từ trên cao - cầu Long Biên
Hưóng chụp về phía sông Hồng. Bức ảnh cho thấy Hà Nội xưa nằm bên bồi của dòng sông. Cùng với thời gian bến thuyền càng ngày càng rời xa trục đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật. Trên ảnh đã xuất hiện con đường dẫn từ trục đường này ra bến thuyền mới. Vài ba ngôi nhà cũng đã mọc lên trên vị trí trước đây là lòng sông.
Trục đường Paul Bert (Tràng Tiền). Bìa trái bức ảnh là mặt sau Nhà hát lớn. Ngoài các công trình trên con phố này ta còn nhận ra nhiều công trình khác như nhà thờ Tin lành (ngày nay là NXB Âm nhac) trên phố Lý Thái Tổ, Dinh thống sứ (Nhà khách Chính phủ, Bộ LĐTBXH) trên phố Ngô Quyền....
3. "Thành phố quay lưng..." là một ý niệm của một viên tướng thực dân. Đó là De Castrie, được phong tướng vào lúc bại trận ở Điện Biên Phủ. Trong khi nói chuyện với những cán bộ quân đội Việt Nam giữa hai buổi thẩm vấn, con người dòng dõi quý tộc này đã nhận xét như vậy về thành phố Hà Nội mà ông ta thoáng gặp trước khi bay lên chỉ huy căn cứ ở miền rừng núi Tây Bắc.
Đúng là thành phố đã quên mất dòng sông của mình. Trong trường kỳ lịch sử giữ nước từ khi định đô ở Thăng Long, con sông Hồng luôn là chiến hào hùng vĩ của thiên nhiên che chắn giặc luôn từ phương Bắc tràn xuống. Những trận đánh trên bến Chương Dương hay Hàm Tử - thời Trần... cho đến những pháp hạm của thực dân từ sông Hồng nã pháo vào thành Cửa Bắc, là lý do kinh đô Thăng Long của các triều đại cũng như tỉnh thành Hà Nội của triều Nguyễn không dám và không thể mở rộng sang bên bờ Bắc của sông Hồng.
Khi nền văn minh của Phương Tây đủ sức làm cây cầu thép bắc ngang hai thế kỷ (1898-1902) cũng là qua con sông Cái đã tạo nên một sức sống mới cho Hà Nội vào thời điểm đang tàn lụi vì chiến tranh. Cư dân Hà Nội cùng cuộc đô thị hoá bùng phát ở hai thập kỷ đầu khi cây cầu hoàn thành. Nhưng phía bờ Bắc thì ngoài đường ái Mộ ngắn ngủi của con đường bộ huyết mạch dẫn ra đường 5 đi Hải Phòng và sân bay Gia Lâm cùng đầu mối hoả xa thì vẫn là một vùng đất không thể đô thị hoá nổi. Tâm lý mất an toàn vì thiên tai và giặc giã vẫn ám ảnh.
Cho đến khi con đê được tôn cao thì trong tâm thức người Hà Nội nhạt dần ý niệm về một dòng sông nằm kề. Cơn lụt năm ất Dậu đi cùng nạn đói 1945 làm tăng thêm ý niệm về con sông là một mối đe doạ hơn là một nguồn lực cho sự phát triển. Và chính tầm khuất của con đê là một trong những nguyên nhân khiến cho những nhà quản lý "lãng quên" một không gian kề cận thành phố khiến tại đây, chỉ trong vài thập kỷ đô thị hoá đã âm thầm nhưng lại vô cùng khốc liệt diễn ra sự hình thành một trong những không gian đô thị xấu nhất và gây nhiều bức xúc nhất cho công tác quy hoạch thủ đô Hà Nội ngày nay.
Có ai từng ví, từ trên máy bay đang hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, Sài Gòn giống như một đống bao diêm lộn xộn. Thì chẳng cần từ trên máy bay mà chỉ cần đứng trên cầu Long Biên hay cầu Chương Dương nhìn về thành phố, cảm nhận còn tệ hơn rất nhiều. Điều này khiến tôi nhớ đến một cuộc thi ý tưởng kiến trúc cho Hà Nội (giải của ASHUI) có một nhóm tác giả đưa ra giải pháp làm đẹp cửa ngõ vào thủ đô bằng cách tạo ra một bức "tường hoa" (trồng những dàn hoa lớn) che tầm nhìn của du khách đi trên các chiếc cầu vào Hà Nội. Trên bản vẽ và bằng lời thuyết minh thì dự án này gây ấn tượng nhưng chắc làm thực thì bất khả thi và nó chỉ tô thêm những mảng xấu cho một vấn nạn không biết đến bao giờ khắc phục được.
ý tưởng về một hòn đảo công viên trên giải bãi bồi giữa sông Hồng có thể là một sự khởi đầu để người Hà Nội có thể rảo bước, ngắm nghía hay khoả chân trên dòng sông của mình. Đến nay, dự án kè cứng thí điểm một đoạn bờ sông một phần để chống xói lở và một phần để quy hoạch thử nghiệm đang được khởi động.Với những chếc cầu mới ở Thanh Trì, Vĩnh Tuy và cả ở phía thượng lưu đang và sắp được xây dựng bổ sung cho cầu Thăng Long đã hình thành cuộc chạy đua giữa quy hoạch của nhà nước và trận chiến đô thị hoá tự phát trên hai bờ sông Hồng mà phần ưu thế hình như vẫn không phải ở phía các nhà quản lý thành phố ?
Mọi người đều đang chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ của công cuộc đô thị hoá ở bờ Bắc sông Hồng. Nhưng người ta vẫn e ngại rằng nó chỉ tiếp tục nhân lên diện rộng những gì đã và đang diễn ra ở bờ Nam bởi sự lộn xộn, xô bồ không thể kiểm soát được khiến cho dù thành phố đã nằm trên cả hai bờ của con sông nhưng khó có thể tôn được vẻ đẹp mà chúng ta mong muốn...
4. Hơn thế nữa, chính trung tâm của Hà Nội hiện tại chẳng đang nằm trong lòng của một con sông cổ ? Hà Nội hôm nay còn Hồ Tây
và dải hồ chạy song hành với con sông kéo đến tận các đầm nước ở Thanh Trì chẳng là dấu tích của lòng sông cổ. Những
đoạn sông nhánh vẫn còn của Tô Lịch, Kim Ngưu... cho thấy cảnh quan xưa của Thăng Long - Hà Nội là một đô thị sông nước đúng
với nguyên lý tụ cư cổ điển "...nhị cận giang". Cho dù mặt nước của Hà Nội đã bị thu hẹp, san lấp rất nhiều thì dac
trưng của Hà Nội đến nay vẫn gắn với sông nước. Chỉ một Hồ Văn mới được sang sửa lại, những dấu tích của lòng sông cổ
trong Khu di tích Hoàng thành mới khơi lên được; những đoạn sông Tô Lịch hay Kim Ngưu dù dòng nước vẫn còn tù đọng ... nhưng
hiệu quả của nó cũng gợi cho ta một hướng phát triển của tương lai
Sẽ có nhiều khu đô thị mới, những toà cao ốc mọc lên. Dù hai bờ sông Hồng vẫn còn nham nhở, vẫn có những đoạn sông phải cho lẩn vào trong vòm cống bê tông... Nhưng chúng ta vẫn có quyền mơ tới ngày sông Hồng sẽ đẹp như dòng sông Seine chảy giữa Paris; sẽ như Thượng Hải bên bờ Tây ngắm nhìn sang bờ Đông nơi biểu thị cho sự phát triển; như hai bờ Buda và Pest của dòng Danube tạo nên một kinh đô cổ kính; một dòng sông cổ Tô Lịch được "khai quật" để chảy giữa lòng phố phường của Hà Nội như người Hàn đã làm được ở Seoul..
Làm sao ta không dám ước mơ khi dưới lòng đất của Hà Nội vẫn là những mạch chảy của dòng sông; khi bầu trời Hà Nội chỉ đẹp trong lung linh của mặt nước ...
Dương Trung Quốc
(Ảnh sưu tầm của ttnhan)
Nhận xét
Đăng nhận xét