Hà Nội Xưa - Phố Mã Mây
Mã Mây chính là tên ghép của hai tuyến phố xưa kia là Hàng Mây và Hàng Mã (khác với phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân), mà người ta thường gọi phố của hai phố. Đoạn phố Hàng Mã cũ thường làm hàng mã phục vụ đám tang, đám rước, cúng lễ; còn đoạn phố Hàng Mây cũ chuyên làm các đồ dùng chế tác từ mây và sợi mây nguyên liệu.
Thời Pháp thuộc, phố Mã Mây còn có tên gọi phố Quân Cờ Đen vì nơi này là đại bản doanh của quân Cờ Đen, một đám quan quân từ phương Bắc dạt sang nước ta từng gây nỗi khiếp đảm cho người Pháp và người Việt. Ban đầu, quân Cờ Đen được triều đình nhà Nguyễn dung nạp để chống nạn thổ phỉ ở biên giới.
Khi Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, quân Cờ Đen tham gia các trận đánh Pháp, từng tiêu diệt hai viên chỉ huy của giặc ở Cầu Giấy khiến quân Pháp khiếp đảm. Chúng cũng trở thành nỗi kinh sợ của dân vì nạn cướp bóc, hà hiếp nhất là hay bắt cóc trẻ con.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan kể rằng: “Nhà tôi ở Mã Mây, xưa kia tôi lười ăn, mẹ tôi thường dọa rằng không ăn quân Cờ Đen sẽ bắt đấy”. Rồi giáo sư kể, phố này là 1 trung tâm bắt cóc trẻ con đòi tiền chuộc. Quân Cờ Đen bắt cóc trẻ con về đây nhưng không biết đứa nào khai thác đòi tiền chuộc được, bèn thử thách bằng cách nhốt trẻ vào một chỗ, cho nhịn đói 1 ngày 1 đêm, sáng hôm sau bày ra một loạt cháo hoa, cháo trắng rất nóng gọi đám trẻ đến ăn.
Những đứa nào vốn là con nhà nghèo, quen ăn cháo quen, lúc đói bưng cháo húp vòng quanh đúng kiểu con nhà nghèo, bọn Cờ Đen sẽ tống cổ về. Còn đứa nào con nhà giàu không quen ăn cháo, chỉ ăn cao lương mỹ vị không biết ăn kiểu đó thậm chí khảnh ăn, bọn cờ đen nhận ra, đòi tiền chuộc. Đấy là kỷ niệm tuổi thơ của giáo sư Lê Văn Lan về con phố này.
Thực dân Pháp cũng lập ra nhà ngục để giam giữ tù nhân tại các số 5 Mã Mây, trước kia cũng là sở chỉ huy Quân Cờ Đen, nhà chủ ngục người Pháp ở đối diện đường. Nhà ngục này được lập ra trước khi có nhà tù Hỏa Lò.
Mã Mây cũng là phố còn tồn tại nhiều nhà cổ nhất, thường làm theo dạng nhà ống, mặt tiền hẹp nhưng dài, có khoảng không đón gió ở giữa.
Các bức bưu thiếp này thoạt chúng khác nhau. Nhưng thực chất chỉ là một, được cắt xén hoặc tô mầu. Bức này được gửi đi từ Đà Nẵng 27 tháng Tư năm 1904.
Hà Nội ngày 27 tháng Ba năm 1906
Cảnh sinh hoạt trên con phố rất sinh động, các nhân vật trong ảnh đa dạng: người lớn, trẻ em, lính tráng, thường dân, phụ nữ, nam giới...
Nhờ người thợ tô mầu ta có thể đoán ở tâm điểm của bức ảnh là cây hoa gạo, và thời điểm chụp khoảng tháng Ba, lúc thời tiết Hà Nội còn vương chút xe lạnh mùa đông... Ít nhất 106 năm đã trôi qua từ khoảnh khắc bấm máy, tuy nhiên bức ảnh tô mầu đem lại một cảm giác không xa thời hiện tại
Nhận xét
Đăng nhận xét