Hà nội - Xưa và Nay - Bắc Môn
Bắc Môn thời Nguyễn (xây trên nền Cửa Bắc thời Lê) hoàn thành năm 1805, cũng như Đoan Môn kiến trúc Bắc Môn có dạng vọng lâu: Phần thành ở dưới và phần lầu ở trên
Ảnh thành Cửa Bắc của bác sĩ Hocquard chụp khoảng 1884 -1885. Đã có dấu đạn của pháo thuyền Pháp bắn vào thành năm 1882. Xung quanh thành là một hào nước rộng với một cây cầu dẫn vào cổng thành.
Một bức nữa của Hocquard chụp từ phía trong thành, nơi đã đầy lính Pháp
Trong các sách của Pháp về Đông Dương nhiều hình minh hoạ được vẽ lại từ các bức ảnh tư liệu.
Sau khi chiếm thành Hà nội Pháp cho đập phá san bằng thành trì, chỉ để lại Cột Cờ, điện Kính Thiên, cung Hậu Lâu, thành Cửa Bắc.Vọng lâu trong bức ảnh này đã bị phá.
Một nhân vật đựơc ghi danh thời kì này là "Cô Tư Hồng” - người đã đấu thầu phá thành. Chỉ riêng việc dùng gạch của thành cũ đã xây được vài khu phố mới ở đường Nguyễn Biểu - Đặng Dung ngày nay.
Góc chụp từ phía trong thành, hai lối lên vọng lâu cũng đã bị phá
Mặt ngoài cổng thành bị bịt kín, ba chữ Chính Bắc Môn trên cổng thành không còn, trên mặt thành là đài quan sát của lính Pháp. Con đường rợp bóng cây hai bên là đường Phan Đình Phùng ngày nay
Thời kì người Pháp khẳng định vị thế của mình. Thành Cửa Bắc được nhìn nhận như một chứng tích chiến thắng: Ba chữ Chính Bắc Môn xuất hiện lại, cổng vẫn bị bịt, nhưng từ phía trong, cho phép nhận ra lối vào thành cũ, hai bức tường bên gợi lại hình dáng thành xưa, và đặc biệt họ gắn lên một tấm biển bằng tiếng Pháp: " 25 Avril 1882. Bombardet de la Citadele par les Cannonieres "Suprise" et "Fanfare".
Ba chữ "Chính Bắc Môn" trên cổng thành
Vết đạn và tấm biển: Ngày 25 tháng Tư năm 1882. Dấu đạn bắn vào thành từ pháo thuyền "Suprise" và "Fanfare"
Đường Phan Đình Phùng. Một thang sắt được dựng để lên thăm mặt thành
Bắc Môn nhìn từ phía trong thành, nơi phía sau vẫn là khu vực cấm do Bộ quốc phòng quản lý
Phương đình dựng trên mặt thành ngày nay mang dáng dấp vọng lâu xưa
Cây thập tự của nhà thờ Cửa Bắc lấp ló phía sau mái lầu
Tại phương đình có đặt ban thờ hai vị tổng đốc thành Hà nội: Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu
Thất thủ khi chống trả cuộc tấn công thành của Pháp năm 1873 Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, ông đã tuyệt thực từ chối sự cứu chữa của người Pháp. Ông mất ngày 20 tháng 12 năm 1873.
Chín năm sau, ngày 25 tháng 4 năm 1882 Pháp tấn công thành Hà nội lần 2, Hoàng Diệu dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp. Lực lượng ngày càng yếu đi, không thể giữ được thành nữa, ông đã ra lệnh cho tướng sỹ giải tán để tránh thương vong, một mình vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.
"Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng..." . Ông đã viết bằng máu những dòng này trong tờ di biểu.
Và giờ đây Hoàng Diệu thanh thản ngồi bên Nguyễn Tri Phương. Tên hai ông được đặt cho tên hai con đường phía Đông và Tây thành cổ Hà nội
BONUS:
Trên các bức tường cổng thành Cửa Bắc có nhiều vết khắc tên và phiên hiệu đơn vị của lính Pháp. Theo lời người bảo vệ những cái tên này do khách du lịch, hậu duệ của đám lính Pháp ngày xưa khắc lên. Họ nghĩ gì khi tới nơi này?
Photo by ttnhan
Location: Phan Đình Phùng street
Ali 33 at 03/02/2009 12:55 pm comment
Rất tuyệt .
Em thấy những hình trong entry này hơi giống nơi gọi là "lầu công chúa" ? Em chưa vào trong, nhưng đọc ở đâu đó láng máng, hình như lầu công chúa cũng ở trong Hoàng Thành mà đọc hết cả lượt các bài chưa thấy anh nhắc đến nơi này ?
Trả lờiXóaHẬU LÂU là tên gọi chính thức của Lầu Công Chúa (pagode des dames). Chữ hậu ở đây được hiểu là phía sau hay là bà hoàng như chuyển ngữ sang tiếng Pháp? Theo nhà sử học Lê Văn Lan cách Lầu Công Chúa là sai đến kỳ cục.
Xóa