Hà nội - Xưa và Nay - Những cửa thành đã mất - Cửa Nam
Phía nam thành Hà nội có hai cửa: cửa Tây Nam và cửa Đông Nam (cửa Đại Hưng), tất cả đã mất theo thời gian. Cửa Nam chỉ còn trong tên một con phố nơi có những tên đất như Đình Ngang (nơi dừng lại để soát xét giấy tờ, thẻ bài trước khi vào Hoàng Thành), Cấm Chỉ (dừng nơi khu cấm) và một góc cái vườn hoa thời Pháp thuộc có dựng tượng “Bà đầm xòe”.
Theo GS Trần Quốc Vượng:
Căn cứ vào câu thơ của nho sĩ Hà Thành cuối thế kỷ XIX:
Tới Quảng Minh đình tớ muốn nghe
Quảng Minh không thấy, thấy Đầm Xòe!".
Quảng Minh đình đời Minh Mạng là nơi hàng tháng có quan tới giảng “Thập điều” (10 điều trung hiếu tiết nghĩa) bắt dân đi nghe. Quảng Minh đình, như sử chép là xây dựng trên nền Quảng Văn đình đời Lê Thánh Tông, là nơi dán bố cáo, mệnh lệnh của vua quan, cho dân biết mà thi hành. Nếu được phép khai quật vườn hoa Cửa Nam, nhà khảo cổ có thể tìm thấy nền cũ Quảng Minh đình rồi Quảng Văn đình.
... Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc kỳ.
Thoạt tiên Đô đốc Dupré định đưa ra hai ngàn quân, tuy nhiên việc phái một lực lượng quân sự lớn như vậy gây nghi ngờ từ phía triều đình Huế. Kết cục là đại úy Garnier thuyết phục đô đốc Dupré là chỉ cần vài chục binh sỹ tinh nhuệ là đủ. Trên giấy tờ, Garnier có lệnh điều tra tình hình tranh cãi giữa Dupuis và nhà đương cục, trục xuất Dupuis khỏi Bắc kỳ sau khi đã thu xếp bồi thường thiệt hại cho ông ta. Tiếp đó Garnier phải buộc nhà đương cục chấp thuận mở cửa thông thương tuyến đường thủy sông Hồng, đặt trạm thuế quan và dùng tiền thuế thu được để hoàn trả phí tổn cuộc viễn hành.
Tuy nhiên thực tế là Garnier đã rất hoan hỉ viết thư cho anh trai "Tôi có toàn quyền hành động! Nước Pháp tiến lên!". Garnier chuyển quân ra bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền (kể cả số thủy thủ và thủy binh). Tới ngày 5 tháng 11 ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis, do Dupuis đi đón dọc đường. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, gồm có 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng, Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy các yêu sách của mình không đe dọa được Nguyễn Tri Phương.
Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ đánh chiếm vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, và vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời, pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên, khiến cho binh lính phòng thủ, do không quen với đạn pháo, bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam, và chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội.
Bức hoạ dưới có chú thích bằng tiếng Pháp " Citadelle Attaque 20 11 1873 par Francis Garnier Porte Sud - Est" - Cuộc tấn công thành ngày 20/11/1873 của Francis Garnier - Cửa Đông Nam (Cửa Đại Hưng)
Bức ảnh Cửa Nam đổ nát, phía trong thấy rõ Kì Đài và Đoan Môn
Sau khi bị chiếm, thành Hà nội bị người Pháp cho san bằng, năm cửa thành chỉ còn lại duy nhất Cửa Bắc. Cái tên Cửa nam chỉ còn lưu lại trong tên một con phố gần đó.
Vườn hoa Cửa nam (vườn hoa Neyret) nơi có tượng Bà đầm xoè
Ttnhan's photo collection
Nhận xét
Đăng nhận xét