Thăng Long Thành Hoài cổ

Khi triều Nguyễn cho xóa bỏ tòa thành cũ, thi hào Nguyễn Du than thở:

Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung.


Tạm dịch:

Cung điện ngàn năm thành đường cái
Một tòa thành mới mất cung xưa.


Bà Huyện Thanh Quan cũng có bài Thăng Long thành hoài cổ:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Ðến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.


Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm bóng cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.



Thành Hà Nội từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX:

Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đem đại quân 29 vạn người sang chiếm Thăng Long không tốn một hòn tên mũi đạn. Dựa thế quân Thanh Lê Chiêu Thống điên cuồng trả thù họ Trịnh. Phủ chúa bị Lê Chiêu Thống đốt trụi cháy ròng rã một tuần mới hết. Tất cả những gì liên quan đến chúa Trịnh ở Thăng Long bị phá sạch. Kinh thành lại một lần nữa ra tro. Đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, triều Hậu Lê kết thúc, Quang Trung định đô ở Phú Xuân. Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Năm 1802 sau khi tiêu diệt xong Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế. Kinh đô vẫn được đặt ở Phú Xuân (tức Huế ngày nay). Kinh thành Thăng Long cũng như toàn miền Bắc phải chịu một sự chuyển đổi lớn: Từ kinh thành hơn 800 năm trở thành trấn thành rồi tỉnh thành. Sự chuyển đổi này có nhiều lý do: thứ nhất nhà Nguyễn không được lòng nhân sĩ Bắc hà; thứ hai Phú Xuân từng là vùng chịu ảnh hưởng của thế lực nhà Nguyễn trong mấy trăm năm nên đã đi vào nề nếp. Kinh thành đã chuyền làm trấn thành nên tên Thăng Long cũng bị đổi từ nghĩa rồng bay sang thành thịnh vượng, ý rằng nhà vua không còn ở đấy. Đồng thời những gì còn sót lại của Hoàng Thành sau những trận đại hủy diệt cuối thế kỉ 18 cũng lần lượt bị các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dưng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi Ngự giá Bắc thành.


Mô hình thành Phú Xuân

Năm 1805, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ, xây lại thành mới nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với Hoàng thành các thời trước vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc thành, không đựợc rộng hơn thành Phú Xuân. Thành mới xây phỏng theo kiểu thành Vauban của Pháp.

Thành hình vuông mỗi bề chừng một cây số xung quanh là hào nước sâu. Tường thành xây bằng gạch hộp, chân thành xây bằng đá xanh. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn con phố hiện nay là: phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây. Ở trong, giữa hai phố Hoàng Diệu và Nguyễn Trị Phương là khu vực Hành cung.

Thành mở ra 5 cửa: cửa Đông (tương ứng với phố cửa Đông bây giờ), cửa Tây (tương ứng với phố Bắc Sơn hiện nay), cửa Bắc (nay vẫn còn), cửa Tây Nam (tương ứng với ???), cửa Đông Nam (tương ứng với đoạn giao phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học bây giờ).


Năm cửa thành thể hiện rõ trên bản đồ Hà nội đầu thế kỉ 19
 
Hanoi 3D

Ảnh Hà nội đầu thế kỉ 19 dựng bằng kĩ thuạt 3D

Phía ngoài mỗi cửa có Dương Mã thành là loại công sự bảo vệ gồm hai bức thành vuông góc nhô ra phía ngoài xây trên bờ hào. Mỗi Dương Mã thành có một cửa bên, gọi là Nhân môn. Từ ngoài vào, phải qua Nhân môn rồi mới đến cổng thành.

Trong thành có nhà Kính Thiên. Phía đông thành là nhiệm sở của Tổng trấn Bắc thành. Phía tây là kho thóc, kho tiền, và dinh bố chính là viên quan phụ trách những kho ấy.

Năm 1812 dựng Cột cờ Hà Nội ở phía nam thành. Trước cột cờ là Hồ Voi, nơi đặt dinh tổng trấn và các Tào thay mặt các Bộ. Có kho, võ miếu, đàn Xã tắc để tế trời đất, nền Tịch điền để làm lễ động thổ hàng năm. Có nhà ngục và nơi pháp trường gọi là Trường hình. Mỗi cửa thành đều có lính đóng, ngoài cửa Nam có Đình Ngang Cấm Chỉ.


Kì Đài và Đoan Môn - phần phía Nam của Hành Cung - nhìn từ phía đường Lý Nam Đế ngày nay

Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Năm 1835, vì cho rằng thành Hà Nội cao hơn kinh thành Huế, Minh Mạng cho xén bớt 1 thước 8 tấc, thành Hà Nội chỉ còn cao chừng 5m.

Năm 1848, vua Tự Đức cho tháo dỡ hết những cung điện còn lại ở Hà Nội chuyển vào Huế.Cái tên này tồn tại cho đến năm 1888 khi nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp.


Một góc thành Hà nội - ảnh của Hocquard chụp khoảng 1884 -1885

Citadelle Blockhause Francais au Nord

Đồn lính Pháp dựng phía Bắc thành

Citadelle blockhause Francaise pres du Grand Lac

Người Pháp đổi Hà Nội thành thành phố. Đến khi chiếm xong toàn Đông Dương họ lại chọn đây là thủ đô của Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. Thành Hà Nội bị phá đi hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính cho người Pháp. Kì Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn còn lại đến nay chỉ vì chúng được người Pháp dùng cho mục đích quân sự.


Một bức ảnh hiếm chụp phía trước Đoan Môn thời kì người Pháp phá thành Hà nội.




Hà nội 1885

Và từ đây bắt đầu một công cuộc xây dựng và phát triển Hà nội với tham vọng dựng "một Paris thu nhỏ trong lòng Đông Dương" để thoả nỗi nhớ của người xa xứ. Công cuộc này kéo dài tới đầu những năm 40 của thế kỉ XX.


Những dòng bút tích trên tấm bưu ảnh mô tả một thành phố châu Âu trong lòng Hà nội

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tô Tịch

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng