Ngày Xưa Chùa Thầy
Chùa Thầy - tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy - thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Nếu chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời tu hành cho đến ngày thoát xác của vị thiền sư này.
Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh, sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.
Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa,
nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi. Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước. Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.
Chú thích địa danh trên tấm bưu ảnh này rất dễ làm người xem ngày nay bối rối. Đây chính là khu vực Chùa Thầy bởi ngày xưa phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây, và chữ Village Phu Khuoc là lỗi chính tả khi phiên âm thôn Phúc Đức thuộc xã Sài Sơn.
Hồ Long Trì và Cầu Nguyệt Tiên
Chùa Thầy nhìn từ trên núi
Không chú thích địa danh nhưng lễ hội trong các bức ảnh này phù hợp với cảnh quan chùa Thầy
Nhận xét
Đăng nhận xét