Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (3)


PHẦN III: RẠP CHIẾU PHIM PALACE & HIỆU SÁCH PACIFIC

Nếu hiểu điện ảnh là chớp bóng hay chiếu xi-nê-ma (ciméma), muốn tìm cái nơi đầu tiên tổ chức loại giải trí mới mẻ do anh em nhà Lumière phát minh, không thể không nói đến những gì diễn ra tại Khách sạn Métropole (ngày nay vẫn giữ được tên gốc, cộng thêm thương hiệu “Sofitel”).

Tại đây, đã lặp lại cái công thức điện ảnh ra mắt tại Paris bắt đầu bằng những buổi chiếu phim tại Hotel Grand Café rồi dần dần mới ra rạp chuyên cinéma.

Lật lại chồng báo cũ, tờ “Trung Bắc Tân văn” xuất bản ở Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX, người ta thấy quảng cáo cho buổi chớp bóng đầu tiên cũng tại một “Grand Café” nhưng rất nhỏ bé, tại cái khách sạn được coi là sớm nhất và sang trọng nhất của Hà Nội, nằm giữa không gian được coi là Tây nhất trong cái “nhượng địa” của Tây này.

Bộ phim đầu tiên có tên là “Thần Cọp” và được trình chiếu vào 8/1920. Đương nhiên khi đó còn là phim câm nhưng người tổ chức đã làm theo cách bên chính quốc là mời dàn nhạc đệm, chỉ có điều ở đây lúc đầu là một gánh bát âm hoàn toàn bản xứ. Nội dung của phim được đăng trước trên báo thành từng phân cảnh và người đến xem sẽ nhận được một tờ chương trình (programe) tóm tắt nội dung.

Về sau, khi nhu cầu xem cinéma dần đông, nội dung phim ngày càng phong phú, chỗ chiếu phim chuyển sang bên kia đường nay là phố Nguyễn Xí. Ở đó, có một cái cổng nhỏ đi vào một rạp chiếu phim lấy tên là Palace. Chỉ mới đây, khi toà nhà này chưa bị phá, người ta còn đọc được cái tên rạp ấy ở phía trên bức tường.

Tuy nhiên, phòng chiếu phim này rộng xuyên sang cả phía đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền) nổi tiếng đô hội, là nơi sinh hoạt của người Âu và của những người bản xứ giàu có muốn học đòi Tây. Chẳng bao lâu, “Cinéma Palace” trở nên rạp chiếu phim sang trọng nhất Hà Nội trên đường Paul Bert.

Nó có một mặt tiền (facade) thật đẹp tựa cái vỏ con sò cách điệu. Bạn đọc kỹ mấy tấm bích chương (affiches) dựng trước cửa rạp thì biết được rằng lúc này có một loại phim thời thượng xoay quanh một nhân vật hài hước người Tàu tên là Toufou, vào thời điểm chụp tấm ảnh này thì rạp đang chiếu tích “Toufou lấy vợ”...

Thời thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), rạp này đổi tên là “Eden”(Thiên đường). Người chủ mới không biết muốn tỏ ra khác trước hay vì trào lưu kiến trúc tân kỳ mà đem “bưng” cái mặt tiền khả ái này bằng những tấm gỗ dán vuông thành sắc cạnh để đến nỗi mọi người quên bẵng diện mạo kiến trúc ban đầu, ngay cả khi nó đã được đổi thành rạp chiếu bóng “Công nhân” rồi sàn diễn chuyên nghiệp của Đoàn kịch nói Hà Nội.

Cho đến ngày người ta quyết phá nó đi để xây một tòa kiến trúc mới, thì khi bóc cái vỏ gỗ dán, đã hiện ra cái vẻ đẹp ban đầu gây sốc cho nhiều người. Nhưng chủ đầu tư vội cho phá nhanh kẻo dư luận đòi giữ lại thì hỏng mất dự án đã được cấp tiền ngân sách...?

Một toà nhà mới theo lối thời thượng “đá rửa” do thợ từ miền Trung ra trình diễn đã được xây theo thiết kế hiện đại nhưng chẳng đẹp tí nào, tồn tại thêm gần hai thập kỷ và cũng chỉ để diễn kịch nói. Cho đến trước dịp Hà Nội ngàn năm tuổi (2009) nó lại được phá tận móng để xây mới, với cam kết rằng toà nhà mới sẽ trở lại những nét đẹp xưa trong một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Chỉ có điều nó vẫn không thể trở lại một rạp cinéma thuần tuý như buổi ban đầu.

Dương Trung Quốc


Photobucket

Bức không ảnh chụp đường Hàng Bài và Hai Bà trưng. Toà nhà trong khung hình mầu đỏ trên phố Tràng Tiền (Rue Paul Bert) chính là rạp Palace.

Photobucket

Toà nhà trong khung hình mầu đỏ trên phố Tràng Tiền (Rue Paul Bert) ở bức ảnh trên  chính là rạp Palace. Rạp khởi công xây dựng năm1917 và hoàn thành năm 1920, kiến trúc cổ điển, thuần túy châu Âu  cân đối hài hòa về tỷ lệ.

Photobucket

Các số nhà bên cạnh ken sát vào rạp làm mất đi một phần vẻ đẹp kiến trúc ban đầu của rạp.

Photobucket

Hướng nhìn về Hồ Gươm. Hai tấm biển hiệu hình tam giác treo trên hàng hiên hai ngôi nhà bên cạnh có cùng kiểu dáng, thể hiện sự tôn trọng cảnh quan chung. Tòa nhà bên trái là một cửa hàng sách (libraire), văn phòng phẩm (papetrie)

Photobucket

Giai đoạn tạm chiếm (1947 -1954) rạp mang tên Eden.Cửa hàng sách bên canh mang tên Pacific.Vỏ ngoài của các tòa nhà này được sửa lại cho hiện đại hơn. Hầu như không ai biết dưới lớp vỏ bọc tân kì kia vẫn còn nguyên dáng vẻ ban đầu


Thời kì rạp mang tên Công nhân, đại bản doanh của đoàn kịch Hà Nội (ảnh chụp tháng 7/2007 trên Flickr.com)


Rạp Công Nhân mới

http://v17.lscache7.c.bigcache.googleapis.com/static.panoramio.com/photos/original/63349292.jpg

Hiệu sách Pacific giờ là hiệu sách Tràng Tiền

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)