Hành trình trở về của một bức tranh



Hanie-Ecole-superieure-de-Doit

Hà Nội ngày 15 tháng 2 năm 1932, khánh thành trường mới của Đại học Luật (École Supérieure de Droit). Trong ảnh, phía sau bục giảng, từ trái sang phải là Hiệu trưởng nhà trường (đứng), Toàn quyền Pierre Pasquier và Trưởng khoa, ông Bienvenu, trước đây là một giáo sư tại Khoa Luật Đại học Alger. Dễ dàng nhận ra trên bức tường phía trên sân khấu có một bức tranh rất lớn. Đây là tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Victor Tardieu, người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương


http://sgs.vnu.edu.vn/uploads/Image/Trao_bang_MBA_khoa_8_1_.jpeg


Hội trường 19 Lê Thánh Tông ngày nay mang tên Ngụy Như Kon Tum, vị hiệu trưởng đầu tiên của Đại học tổng hợp Hà Nội. Bức tranh tường cỡ lớn được họa sĩ Hoàng Hưng phục dựng theo những tài liệu của gia đình hoạ sĩ V. Tardieu



Những người dân Hà Nội và những người đã có dịp đến Thủ đô, chắc không ít người biết đến toà nhà bề thế tại 19 Lê Thánh Tông, một trong số rất hiếm công trình kiến trúc Pháp còn được giữ lại gần như nguyên vẹn cho đến nay ở Hà Nội. Toà nhà này gắn liền với Đại học Đông Dương do người Pháp lập ra vào năm 1906, được thiết kế khá cầu kỳ và vững chãi. Tại hội trường lớn trong toà nhà này đã từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển từ Đại học Đông Dương tới Đại học Quốc gia Việt Nam rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội và đến Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông dương, mốc khởi đầu cho nền giáo dục đại học Việt nam hiện đại, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có kế hoạch tu sửa lại toà nhà chính, trụ sở của Đại học Đông Dương trước đây, nay đang được sử dụng cho những hoạt động học thuật và tổ chức những sự kiện lớn. Trong một lần thăm toà nhà, ông Tuỳ viên Hợp tác Đại học Đại sứ quán Pháp đã hỏi tôi có biết gì về bức tranh tường được treo tại hội trường lớn ở vị trí hiện nay là một bức tường trắng rất rộng, ngay trên tấm bảng đen? Tôi phải thú thực là chưa từng biết hay nghe nói đến bức tranh này mặc dù tôi đã làm việc ngay cạnh hội trường này trong một thời gian dài và đã rất nhiều lần tham dự các hoạt động trong hội trường lớn. Tôi đã đem câu hỏi này hỏi một số vị nhà giáo lão thành công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay để mong tìm được một lời giải đáp. Có người nói đúng là đã từng có một bức tranh rất lớn ở vị trí bức tường trắng hiện nay vẽ khung cảnh sinh hoạt Hà Nội nhưng không còn nhớ rõ chi tiết và cũng không biết ai là tác giả bức tranh? Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng một bức tranh lớn như vậy được vẽ vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 thì khó có thể là của một hoạ sĩ Việt Nam vì lúc đó ta chưa có trường dạy vẽ cũng như những hoạ sĩ chuyên nghiệp theo trường phái nghệ thuật hội hoạ châu Âu. Nếu đó là một hoạ sĩ Pháp thì không biết đó là ai và nội dung bức tranh phản ánh điều gì trong không gian của một trường đại học lớn nhất xứ Đông Dương lúc bấy giờ? Những câu hỏi này thôi thúc tôi tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn về bức tranh mặc dù hầu như chẳng còn dấu vết gì. Tôi không am hiểu về nghệ thuật hội hoạ cũng như không biết nhiều về các hoạ sĩ nhưng tôi đã có những ấn tượng rất mạnh đối với nghệ thuật hội hoạ Pháp sau khi đã xem những bức tranh tại Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Orsay hay trong cung điện Versailles ở Thủ đô Paris của nước Pháp. Nếu quả thật có một bức tranh lớn như vậy do một hoạ sĩ Pháp vẽ tại một trường đại học ở xứ sở An nam xa xôi trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 thì riêng điều đó đã có rất nhiều ý nghĩa và đáng để tìm hiểu!

Bức tranh lúc hoàn thành

Trong một chuyến công tác tại Pháp, tôi đã tìm đến Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-Mer, CAOM) đặt tại Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp đề tìm những tư liệu về Đại học Đông Dương và cũng hy vọng tìm được điều gì đó liên quan đến bức tranh. Nơi đây lưu giữ phần lớn các tài liệu liên quan đến thời kỳ thuộc địa của Pháp ở châu Á, châu Phi. Với ý thức cao về việc lưu giữ sử liệu cùng với kỹ thuật hiện đại, phải nói rằng hàng triệu trang tài liệu từ hàng trăm năm trước đã được CAOM cất giữ trong những điều kiện tốt nhất và cũng được phục vụ công chúng một cách rộng rãi nhất. Nhưng rồi tôi lại phải thất vọng vì trong số những tài liệu liên quan đến Đại học Đông Dương mà tôi tìm thấy ở đây, chẳng có một dòng nào nói về bức tranh tại hội trường lớn của trụ sở Đại học Đông Dương. Khoảng thời gian gần 100 năm không phải là dài trong lịch sử phát triển của một đất nước nhưng đối với Việt Nam thì thế kỷ 20 lại là một khoảng thời gian đầy biến động và không có nhiều điều kiện đề sưu tầm, bảo quản sử liệu.

Phác thảo nguyên gốc của bức tranh còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I&nbsp
;ở Hà Nội. Trong các tài liệu này còn nguyên chữ ký và nét bút của họa sĩ Victor Tardieu


Một thời gian sau, rất bất ngờ, tôi lại nhận được thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội rằng bức tranh đó do hoạ sĩ Victor Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẽ! Manh mối này thắp lại niềm hy vọng trong tôi vì ít nhất cũng có được một cái tên, hơn nữa lại là một cái tên rất nổi tiếng gắn liền với nền nghệ thuật hội hoạ hiện đại của Việt Nam. Rất may mắn, tôi đã liên hệ được với bà Alix Turolla Tardieu, cháu nội duy nhất của hoạ sĩ Victor Tardieu. Trong kho tư liệu của gia đình, bà Alix Turolla Tardieu đã cất giữ được ảnh chụp bức tranh tường tại hội trường 19 Lê Thánh Tông và một số thông tin liên quan đến quá trình sáng tác bức tranh này của hoạ sĩ Victor Tardieu. Trong chuyến thăm Hà Nội và dự hội thảo tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào cuối năm 2005, bà Tardieu đã thăm lại hội trường 19 Lê Thánh Tông và mong muốn tìm lại được bức tranh này vì theo như bà nói thì đây là bức tranh lớn cuối cùng mà ông nội bà đã vẽ trong nhiều năm với rất nhiều công sức. Tiếc rằng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam và sau nhiều thập kỷ chiến tranh ác liệt, bức tranh này đã không được bảo quản cho đến nay mà thay vào vị trí đó là một bức tường vôi trắng xoá!

Tháng 1 năm 2006, tôi nhận được ảnh chụp bức tranh gửi qua thư điện tử. Tôi đã ngồi lặng đi rất lâu trước màn hình máy tính với rất nhiều cảm xúc vì được nhìn tận mắt những gì mình tìm kiếm từ nhiều tháng qua! Tuy ảnh chụp không thật sắc nét nhưng bức tranh vẫn toát lên vẻ đẹp riêng, rất có ý nghĩa và tạo ấn tượng rất mạnh đối với người xem. Trên một diện tích rộng gần 80m2, hoạ sĩ Victor Tardieu đã thể hiện rất sinh động khung cảnh sinh hoạt ở Hà Nội với nhiều nhân vật, nhiều thành phần xã hội, cả những người Pháp và những người bản xứ. Ở đây, rất dễ dàng nhận ra sự kết hợp giữa văn hoá bản địa và văn minh phương Tây. Một chiếc cổng tam quan với cây cổ thụ phía sau và cây hoa đại cạnh cổng chính là hình ảnh rất tiêu biểu mà người ta có thể bắt gặp ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Hai bên cột của cổng chính có hai hàng câu đối “Nhân tài quốc gia chi nguyên khí, Đại học giáo hoá chi bản nguyên” (Nhân tài là nguyên khí quốc gia, Đại học là gốc của giáo hoá). Ở chính giữa cổng tam quan có lồng hình tượng một người phụ nữ Pháp tay cầm sách, tay cầm bút thể hiện sự tôn thờ tiến bộ (Allégorie du Progrès). Rất nhiều người, cả Pháp và Việt Nam đều hướng nhìn lên cổng tam quan và hình tượng tôn thờ sự tiến bộ. Chưa nói đến giá trị nghệ thuật của bức tranh thì riêng sự kết hợp tài tình những tinh hoa của văn hoá phương Đông (coi trọng nhân tài, đề cao học hành, coi đó là gốc của khai hoá) và tư tưởng văn minh phương Tây (đề cao sự tiến bộ) đã tạo nên một phần giá trị của bức tranh trong một không gian đại học là cái nôi của tri thức như Đại học Đông Dương. Theo những ghi chép của hoạ sĩ Victor Tardieu mà gia đình còn lưu giữ, trong số các nhân vật được vẽ có có những người đã từng lãnh đạo hoặc giảng dạy tại Đại học Đông Dương từ những thời kỳ đầu. Tác giả cũng có mặt trong bức tranh cùng với con trai mình là Jean Tardieu đứng ở một góc xa đang chiêm ngưỡng cổng tam quan.

(Ảnh chụp bức tranh do gia đình hoạ sĩ Victor Tardieu cung cấp. Mũi tên đỏ chỉ hoạ sĩ Victor Tardieu và con trai Jean Tardieu)

Hoạ sĩ Tardieu nhận vẽ bức tranh này sau một thời gian rất ngắn tới Hà Nội. Nhờ giải thưởng Indochine (năm 1920), ông xuống tàu biển tới miền Nam Việt Nam, sau đó đi lên phía Bắc, đến Hà Nội (năm 1921) và chính bức tranh này đã kéo dài chuyến du hành của ông tại Hà Nội cho đến cuối đời (hoạ sĩ Victor Tardieu mất tại Hà Nội năm 1937). Trong thời gian thực hiện bức tranh, ông đã có sự hỗ trợ của một số thanh niên Việt Nam say mê nghệ thuật hội hoạ nhưng chưa được đào tạo một cách bài bản. Ông đã thuyết phục Toàn quyền Đông dương lúc bấy giờ là Merlin thành lập trường đào tạo về hội hoạ để có thể truyền dạy cho thanh niên Việt Nam những kỹ thuật và trường phái hội hoạ phương Tây.

(Quá trình sáng tác tranh tại giảng đường lớn 19 Lê Thánh Tông. Ảnh chụp do gia đình hoạ sĩ Victor Tardieu cung cấp)

Ngày 27 tháng 10 năm 1924 đã chính thức ra đời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà hoạ sĩ Victor Tardieu là Hiệu trưởng đầu tiên. Ngay niên khoá đầu tiên 1925-1930, Trường đã đào tạo ra một loạt các hoạ sĩ danh tiếng của Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ mà trong một cuộc triển lãm tại Paris năm 1931 đã gây được tiếng vang rất lớn. Cùng nằm trong hệ thống của Đại học Đông Dương lúc bấy giờ nhưng trường Mỹ thuật không có được sự phát triển mạnh như trường Y hay trường Luật một phần vì chính sách của chính quyền bảo hộ không coi trọng phát triển văn hoá nghệ thuật, phần khác là bản thân lĩnh vực này rất kén chọn người học vì cần có năng khiếu hội hoạ nên Trường tuyển sinh rất ít. Hoạ sĩ Victor Tardieu đã không ngừng đấu tranh để ngôi trường được tồn tại như một địa chỉ có uy tín cho các tài năng hội hoạ Việt Nam. Những tên tuổi được đào tạo ra từ ngôi trường này cùng với những tác phẩm nổi tiếng của họ đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho nền hội hoạ Việt Nam.

(Bức tranh lúc chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh chụp do Đại sứ quán Pháp cung cấp)


Có thể nói rằng một phần quan trọng trong sự nghiệp của họa sĩ Victor Tardieu gắn với Việt Nam và chính bức tranh vẽ tại hội trường 19 Lê Thánh Tông vừa là bức tranh lớn nhất ông vẽ tại Hà Nội, vừa là bước khởi đầu khám phá của ông đối với một nền văn hoá, một đất nước với những con người mà ông yêu mến. Nhận thức sâu sắc về giá trị của bức tranh, đồng thời để thể hiện sự trân trọng đối với một tài năng, một bậc thầy hội hoạ, người đã có công xây dựng nền hội hoạ Việt Nam và cũng là người đóng góp cho sự phát triển của Đại học Đông Dương, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định cho phục dựng lại bức tranh theo nguyên mẫu để giới thiệu tới công chúng trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông dương vào tháng 5 năm 2006. Gia đình hoạ sĩ Tardieu rất xúc động trước quyết định này và trong một bức thư gửi Giám đốc ĐHQGHN, bà Alix Turolla Tardieu đã viết “Tôi xin chân thành cảm ơn Đại học Quốc gia Hà Nội đã một lần nữa tôn vinh ông nội tôi và xin đảm bảo rằng ông tôi sẽ rất cảm kích ghi nhận tình cảm của một dân tộc mà ông đã dành trọn trái tim và sức lực của mình”.




(Những phác thảo nhân vật trong tranh. Ảnh chụp do gia đình hoạ sĩ Victor Tardieu cung cấp)

Một ê-kíp gồm 10 hoạ sĩ đang làm việc ngày đêm để có thể hoàn thành được tác phẩm vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ra đời trường đại học đầu tiên theo mô hình hiện đại ở Việt Nam. Có thể còn có nhiều chi tiết thú vị liên quan đến
bức tranh chưa được biết đến nhưng có một điều chắc chắn rằng sau nhiều năm vắng bóng, bức tranh sẽ trở về đúng vị trí của nó trước đây và hy vọng rằng chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm đẹp mang nhiều ý nghĩa trong một không gian văn hoá tri thức là giảng đường lớn tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.


N.A.T


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tô Tịch