Dấu xưa




My creation


Buổi sáng trời dịu mát, đường phố ngày cuối tuần thưa người, ồn ào bụi bặm đã trôi bớt sau cơn mưa đêm, nắng như rực rỡ, lung linh hơn. Tự dưng muốn chạy xe đâu đó. Từ lâu rồi sự nhàm chán của con đường đến công ty giết hết những cảm xúc, một ngày chợt thấy mình đang nhìn thành phố quê hương bằng con mắt thờ ơ của đám người xa lạ, ô hợp kéo đến cư ngụ ngày một đông.

Trong cái hộp kính sáng choang, nói cười vô cảm bên màn hình máy tính, một phút nhìn ra phố thấy mình bỏ phí nhiều thứ. Tiếc nắng lung linh và gió xôn xao của tiết thu đang về ngoài kia. Nhấc máy gọi về nhà: “Bố tan làm bây giờ, có muốn đi chơi không?”. Hỏi vậy nhưng chưa biết đưa con đi đâu. Miễn là ra phố, lang thang.

Chạy xe trên những đường phố vắng, yên tĩnh, nhiều mầu xanh. Con cũng không hỏi bố chở đi đâu. Tại sao không ghé thăm những di tích Hoàng Thành nhỉ? - nảy ra ý nghĩ đó và dừng xe trên đường Hoàng Diệu.




Đoan Môn - một trong năm di tích còn sót lại của Hoàng Thành - nằm khuất sau trung tâm thể dục thể thao quân đội (có từ thời Pháp với cái tên sân vận động Mangin), nếu không chú ý rất dễ chạy xe vụt qua. Vắng tanh. Người gác cổng chỉ chỗ để xe và cũng chẳng buồn phát vé. Yên tĩnh. Một sự yên tĩnh vừa hiếm, vừa quý giữa thành phố ồn ào này. Thành cao và rộng, lối vào thăm quan hẹp nên không thể chụp trực diện toàn cảnh Đoan Môn



Kiến trúc Đoan Môn kiểu vọng lâu, chia thành hai phần: phần cổng thành phía dưới và phần lầu phía trên. Vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch vồ, một loại gạch phổ biến thời Lê (thế kỉ XV) và đá cuốn vòm cửa



Cổng phía Nam dẫn vào cung vua này còn có tên gọi khác Ngũ Môn với 5 lối vào: cửa chính giữa lớn nhất dành riêng cho nhà vua, hai bên có bốn của nhỏ hơn để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ ở điện Kính Thiên.



Ở cổng này, để ý một chút sẽ thấy phía sau những cánh cổng gỗ dầy và nặng một lối đi gấp khúc



Còn lối đi này thẳng tiến. Đây chính là trục "thần đạo" của kinh thành Thăng Long: Kì Đài (cột cờ Hà nội) - Đoan Môn - Điện Kính Thiên (hiện chỉ còn nền điện với đôi rồng đá) - Hậu Lâu - Bắc Môn (thành cửa Bắc). Khi khai quật di tích Đoan Môn năm 1999, các nhà khoa học tìm thấy vết tích con đường lát gạch hoa chanh thời Trần. Để bảo vệ, người ta dựng một mái tôn nhựa che mưa nắng lên khu vực đó.



"Lối xưa xe ngựa" giờ chìm lấp dưới lớp lớp thời gian. Hố khai quật được làm rào chắn, nhưng chẳng nhìn thấy gì bởi nó đã biến thành một vũng nước xanh lềnh bềnh rêu tảo.



Những năm còn bé, rồi cả khi đi học Đại học chưa bao giờ được đặt chân đến đây vì toàn bộ thành là khu vực cấm. Mãi tới dịp kỉ niệm 990 năm Thăng Long khu vực này mới được Bộ quốc phòng trả cho Hà nội để trùng tu.



Vòng ra phía sau tìm lối lên lầu Ngũ Môn. Lao xao vọng xuống tiếng cuời nói, từ lúc đặt chân vào đây tưởng chỉ có hai bố con, hoá ra phía trên lầu mấy bạn trẻ đang chụp ảnh. Vọng lâu có nghĩa là lầu để quan sát - giải thích nôm na cho con như thế.



Đang leo lên vọng lâu, con phát hiện ra khoảnh sân phía dưới có hình nước Việt Nam được trồng bằng cây. Đạo diễn cho con đứng vào vị trí thủ đô Hà nội, nhưng cậu bé áo đỏ này nhát không dám trèo qua. Thấp thoáng đằng sau những dãy nhà thấp có từ thời thuộc địa, khi người Pháp phá nốt dấu tích xưa, biến Hoàng Thành thành một trại lính

DSC_2941

Một phần Đoan Môn từ trên vọng lâu nhìn xuống



Trên mặt thành, xung quanh lầu Ngũ Môn có nhiều cây, kể cả cây to xum xuê toả bóng. Chủ yếu là cây Sữa và Đại. Hoa sữa nở vào dịp cuối thu, giờ chỉ có những bông Đại trắng tinh khiết nhẹ nhàng rớt xuống mặt cỏ.


DSC_2937

Ngày xưa mỗi lần đạp xe qua đây vẫn tưởng tượng về một Hoàng Thành xưa với những đền đài, cung điện. Trong trí nhớ vẫn còn hình ảnh những mái lầu đổ nát thấp thoáng trong vòm cây. Cảnh điêu tàn nhắc nhớ dấu ấn thời gian, gợi nỗi niềm hoài cổ. Cảm xúc ngày đó đẹp hơn, nôn nao hơn.



Đằng sau khuôn hình là những toà nhà của Bộ Quốc phòng phía bên kia đường Nguyễn Tri Phương. Suốt một thời gian dài, rất nhiều người Hà nội không biết tới đường phố này, vì đó là khu vực quân sự. Vẫn khó chịu nhớ tới cảm giác bị xét nét lần vào thành dự đám cưới bạn cùng lớp lấy chồng là sĩ quan làm việc trong thành. Trên đường phố này hiện còn nhiều biển "Khu vực cấm" bằng tiếng Việt và tiếng Anh.



Rời Đoan Môn hai bố con tiếp tục chạy xe trên đường Hoàng Diệu, dọc tường thành. Gần chỗ này cũng có tấm biển "Khu vực cấm", nhưng không thấy ai nhắc mhở gì khi chụp ảnh, mà thực ra chỗ này bỏ hoang rồi, có cơ quan, doanh trại gì đâu.



Vẫn trên đường Hoàng Diệu - con đường đẹp và nhiều bóng mát nhất Việt nam - lối vào này giống đường chạy xe dẫn vào biệt thự có rất nhiều ở quanh khu vực này. Không, hai bố con không có ý định diện kiến các nhà lãnh đạo đất nước. Vào đây thăm quan Hậu Lâu - di tích tiếp theo của Hoàng Thành thôi.



Điều thú vị, cũng như Đoan Môn, khu vực này thăm quan tự do: không vé vào cửa, không vé gửi xe. Trong căn phòng bảo vệ là một cậu bé đang lúi húi học bài. Sau khi ngoan ngoãn chào khách, cậu lại tiếp tục học bài, thỉnh thoảng chẳng biết vì bí hay vì trách nhiệm, cậu lại ngẩng lên liếc ra canh chừng cái xe bên ngoài.

Bên trái lối vào Hậu Lâu là một khuôn viên nhỏ. Dấu tích xưa còn đó. Đằng sau cái cổng đổ nát bị lấp một cách thô bạo này là một ngôi nhà kiến trúc hiện đại.



Hậu Lâu còn được người Pháp gọi là Lầu Công Chúa. Cái tên đó có liên hệ gì đến chỗ ở của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tuỳ tùng mỗi khi Hoàng Đế ngự du Bắc hà không? Hậu Lâu cũ đã bị đổ nát trong thời kì Pháp xâm lược năm 1876, sau đó được người Pháp đã cải tạo lại làm chỗ ở và làm việc cho quân đội. Suốt từ khi tiếp quản thủ đô (năm 1954) đến khi trả lại cho Hà nội để trùng tu, Hậu Lâu nằm trong khu vực quản lí của Bộ Quốc phòng



Khi khai quật di tích này năm 1988 người ta tìm thấy những hàng phiến đá kê chân cột với những hoa văn trang trí hình cánh sen. Chúng được trưng bầy ngay dưới chân lầu. Đồ cổ thật đấy, nhưng chắc không kẻ gian nào có ý định lấy đi cho dù ở đây không có bảo vệ.



Có phải vì thế con cười không đấy?



Lối vào và đường lên xuống trong Hậu Lâu xây hình vòm cuốn, ngoắt nghéo...



...với những bậc thang dốc đứng dẫn lên lầu.



Ở đây người ta trưng bầy những món đồ gốm cổ tìm thấy khi khai quật. Vì quý và có giá trị lịch sử (không phải giá trị sử dụng đâu nhé) nên chúng được đặt vào trong tủ kính...



..có niêm phong hẳn hoi.



Xung quanh lầu rợp mát bóng cây. Ở tầng lầu này có một cái ban thờ mới lập. Không biển ghi chú, không người hướng dẫn nên không thể giải thích cho con điều gì. Tôn trọng sự tôn nghiêm, hai bố con chỉ ngắm nhìn mà không chụp hình.



Có cảm tưởng đang thăm quan Hoàng Thành lại nhẩy phắt sang rừng Cúc Phương. Không phải vậy. Theo một lối mở tắt trên bức tường ngăn khu di tích Hậu Lâu với phần Bộ Quốc phòng quản lí, rủ con trai bước sang. Thật khó hình dung ở trung tâm Hà nội, giữa khu vực được quy hoạch đến từng chi tiết lại có một khu rừng thế này.



Quân đội rút đi, nhà làm việc, doanh trại giờ hoang phế giữa ngút ngàn cây dại. Con trai rúc rích cười chỉ cho bố những tờ giấy dán phất phơ trên tường nhà: "Cấm đại tiểu tiện trong nhà hoang"



Các chú bộ đội trồng nhiều rong rừng quá. Tết đến đủ lá để gói bánh chưng cho cả đơn vị.



Có vẻ sợ bị buộc tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp, con trai cứ nhìn quanh nhìn quẩn, nó phát hiện ra tấm biển "Khu vực cấm" treo trên cây, hai bố con lặng lẽ rời khỏi nơi này.



Tiếp tục chạy xe vòng ra Phan Đình Phùng đến điểm cuối cùng trên trục "thần đạo": Bắc Môn. Hỏi dò con có thích mấy chỗ vừa thăm quan không, nó bảo thích, không hiểu thật lòng hay chiều ý bố. Tự dưng muốn kể cho con về những cảm xúc ngày xưa, ngày bé hơn con bây giờ, mỗi lần về quê, theo chân mấy đứa cháu bằng tuổi ra ngoài đê tìm vết dấu nhà ông bà trên bờ lở dòng sông Hồng. Năm tháng trôi qua dấu vết sót lại cứ mất dần, rơi xuống lòng sông, nhưng không phải vì thế mà không có ý niệm về nơi ông bà tổ tiên đã sống. Muốn, nhưng thấy khó diễn đạt, đành rủ con đi ăn kem. He he.


Sơ đồ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng