Hà nội - Xưa và Nay - Tháp nước Hàng Đậu


La Chateau d' Eau à Hanoi (Tonkin)

 
Tháp nước Hàng Đậu...





Photo by ttnhan
Location: Corner of Lý Nam Đế - Hàng Đậu streets
--------------------------------------------------------------

Bonus

Rất ít người biết Hà nội còn có tháp nước thứ hai xây cùng năm (1894) và giống hệt tháp nước Hàng Đậu - tháp nước Đồn Thuỷ nằm trong khu nhượng địa (concession), phố Phạm Ngũ Lão ngày nay. 

Tháp nước Hàng Đậu nhìn trên Google Earth

 

và tháp nước Đồn Thuỷ, trông hoang tàn hơn
 
Tháp nước Đồn Thuỷ 

Khu nhượng địa cuối thế kỉ 19, lác đác những khu nhà trên khu đất bãi ven sông Hồng
 
 

Nhà cửa bây giờ san sát, tháp nước Đồn Thuỷ khuất sâu trong một ngõ nhỏ trên phố Đinh Công Tráng, trong khuôn viên công ty nước sạch Hà nội
 


Photo by ttnhan
Location: Đinh Công Tráng street


----------------------

Bí mật về 2 tháp nước cổ nhất Hà Nội

Bước qua cửa sắt cũ kỹ của tháp nước Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) là một không gian tĩnh lặng, ánh sáng từ cửa sổ trên cao in lên bức tường xù xì hình vòng cung bằng đá hộc dày hơn một mét.

Ngước lên trên, đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250 m3 vẫn yên vị trên đỉnh 8 bức tường đá có khoảng cách đều đặn như nan quạt. Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi.

Tháp nước Hàng Đậu, công trình xây dựng năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.

Gắn bó nhiều năm với Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội (đơn vị trực tiếp quản lý), ông Nguyễn Trí Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, tháp nước là công trình đầu tiên ghi dấu sự thay đổi bộ mặtthành thị của Hà Nội. Trước đó, dù ở chốn kinh thành, người Hà Nội toàn dùng nước giếng đào hoặc từ các ao hồ dày đặc.

"Các công trình điện, nước... được xây dựng trước hết để phục vụ bộ máy cai trị và binh lính Pháp. Phần thừa ra mới cung cấp cho người dân phố cổ", ông Khoa kể.

Do đã gắn bó với Hà Nội hơn 110 năm, tháp nước Hàng Đậu được người dân thủ đô qua nhiều thế hệ yêu quý như những con phố cổ. Điều đặc biệt là trải qua nhiều năm chiến tranh, công trình không hề dính một mảnh bom, viên đạn nào.

"Tới những năm 1960, chức năng chính của tháp nước mới ngừng khi nâng cấp nhà máy nước Yên Phụ và thay đổi công nghệ truyền dẫn nước sạch. Tuy nhiên, ống ngầm phía dưới tháp hiện vẫn nằm trong hệ thống tuyến ống truyền dẫn nước của thành phố", ông Khoa cho biết.

Kể về những thăng trầm của tháp nước ngay giữa trung tâm phố cổ, ông Khoa cho biết, người dân quen gọi đây là nhà máy nước tròn, thậm chí nhiều người còn tưởng lầm là lô cốt nên gọi là "bốt Hàng Đậu". Còn thực dân Pháp đặt tên là Đài Đầu, vì tháp ở ngay đầu thành phố. Tại vị trí này, nước có thể được rót thẳng vào thành, nơi quân đội thực dân đóng. Ngoài ra nó còn phân phối nước đều đặn về các khu phố từ phía Tây Bắc dồn về giữa thủ đô.

"Trước cửa đài nước Hàng Đậu, người Pháp đã đặt các van hãm để khống chế việc cấp nước theo ý muốn. Muốn hạn chế nước chảy về khu người Việt thì hãm nhỏ cửa van về phía đó, còn khu trong thành, khu nhiều người Pháp ở, cửa van luôn mở", ông Khoa giải thích.

Cũng theo vị chủ tịch Hội đồng quản trị này, tháp Hàng Đậu từng nhiều lần bị đe dọa phá dỡ vì mục đích kinh doanh. Đặc biệt trong nhiều năm, quanh chân tháp là hàng chục kiôt buôn bán. Cho tới năm 2003, tháp mới được trả lại không gian thoáng đãng.

Còn theo ông Ngô Quỳnh Dũng, Trưởng phòng Hành chính quản trị công ty, đến trước tháng 4/2010 (thời điểm chỉnh trang), tháp Hàng Đậu hầu như vẫn còn nguyên trạng từ hình dáng, cấu trúc cho đến hệ thống đường ống dẫn và đài nước khổng lồ bên trong tháp. Chỉ có hàng cửa sổ dưới cùng của tháp bị bịt kín nhằm ngăn những người vô ý thức phóng uế, vứt rác vào trong. Tường ngoài từ mặt đất lên khoảng 2,5 mét tuy từng bị quây làm kiôt kinh doanh trước đây song cũng không hư hại nhiều.

Theo ông Dũng, lúc đầu kế hoạch chỉnh trang tháp Hàng Đậu chỉ dừng lại ở việc lắp đèn hắt chiếu sáng ở mặt đất. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại quyết định bóc lớp vữa cũ, trát mới, lợp mới mái tôn...

Vị trưởng phòng từng cất công sưu tầm nhiều tư liệu và hiện vật cho nhà máy nước cũng như nguồn gốc của tháp nước cho biết, ông đã đề xuất phương án bảo tồn tháp Hàng Đậu từ nhiều năm, song chưa nhận được sự đồng ý. Theo đó, tòa tháp sẽ thành bảo tàng về ngành nước của Hà Nội.


Hai tháp nước này được xây dựng bằng đá phá thành Hà Nội vào năm 1894, cùng xây theo một kiểu nên giống nhau như hệt. Đài xây hình tròn, đường kính 19 mét, tường cao hơn 20 mét, kể cả nóc là 25 mét, hình chóp nón.
Với tổng dung tích 2.500 m3, vào cuối thế kỷ 19, đầu 20, nước từ nhà máy được đưa lên hai tháp để phân phối theo ống dẫn đi khắp nơi trong thành phố..

"Hình ảnh và mẫu vật đã có sẵn khá nhiều ở phòng truyền thống của công ty. Bảo tàng nhỏ này chỉ mở cửa vào những ngày cuối tuần, vừa để người dân tìm hiểu lịch sử Hà Nội vừa tránh xung đột giao thông tại khu vực này", ông Dũng đề xuất.

Không may mắn nằm ở vị trí "đắc địa" và nhận được sự quan tâm như người anh song sinh ở Hàng Đậu, tháp nước Đồn Thủy (giống y hệt về kích thước, công năng với tháp Hàng Đậu) ít được người dân biết đến. Tháp được xây dựng gần như cùng thời điểm với tháp Hàng Đậu, hiện nằm lọt trong khuôn viên của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm.
Sở dĩ ít được biết đến là lúc mới xây dựng, tháp nằm trong khu Đồn Thủy, là trại lính nơi tướng Henri Rivière đóng quân khi quân Pháp chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội. Còn hiện nay, tháp nằm trong khuôn viên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm, khuất trong ngõ ở đường Đinh Công Tráng (gần Bệnh viện 108).

Trước cửa đài nước, thực dân Pháp cũng đặt van khống chế nước cho dân về các ngả như để dồn nước về khu phố Tây, nhà hát Nhà hát Lớn thuộc khu vực Đông Nam thành phố.

So với tháp Hàng Đậu, công trình này hiện không còn giữ nguyên cấu trúc ban đầu, trừ vỏ ngoài. Đài nước bằng thép ở đỉnh tháp đã được tháo dỡ, hệ thống ống nước lên và xuống cũng không còn. Mái tôn được thay mới. Từ công năng cấp nước ban đầu, tòa tháp hiện được chuyển đổi thành khu làm việc cho nhân viên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm.

Theo nhân viên xí nghiệp này, việc phá dỡ đài nước và thay mái tôn mới diễn ra cách đây vài năm.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cuối thế kỷ 19, dân số Hà Nội trong đó có cộng đồng người Âu khá đông đảo gặp mấy trận dịch nặng nề. Đại diện cho nước Pháp đứng đầu ở xứ sở này là Tổng trú sứ Paul Bert cũng lâm bệnh chết, khiến người Pháp phải hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch theo lối châu Âu, thay vì nguồn nước giếng, nước mưa hay nước ao, hồ đánh phèn theo kiểu dân gian.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)