Nét cổ trên phố Thụy Khuê
Dọc theo mạn phía Tây của đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu từ ngã tư chợ Bưởi tập trung rất nhiều công trình cổ như cổng làng, đình, đền, chùa đem đến cho Thụy Khuê một nét đẹp rất riêng mà không con đường nào khác ở Hà Nội có được.
Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, đây là con phố hiếm hoi của Hà Nội còn giữ lại những nét cổ, văn hóa truyền thống của thế hệ trước sau rất nhiều quy hoạch của thành phố.
Dọc theo con phố này là hàng chục các cổng làng, đình, đền với đôi câu đối hai bên và tên cổng được viết bằng chữ Nho bên trên mang đậm dấu ấn thời gian. Trong đó, có cái còn nguyên vẹn, có cái đã được tu bổ, khoác lên mình tấm áo mới. Ngược thời gian về trước cách đây nhiều thế kỉ, nơi đây tập trung nhiều ngôi làng của đất kinh thành Thăng Long. Những công trình này là di sản của những ngôi làng đã hình thành bên bờ Nam hồ Tây vốn được biết đến với tên gọi chung là Kẻ Bưởi.
Ngày nay, dọc theo trục đường Thụy Khuê theo thứ tự là các làng Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu và Thụy Khuê. Không chỉ có các cổng làng cổ, trên con đường này còn có nhiều dấu ấn, nét cổ như các ngôi nhà với mái ngói rêu phong, những cánh cửa in dấu thời gian của những ngôi nhà cổ. Lâu nay nói đến nét cổ của Hà Nội, người ta hay nói nhiều đến phố cổ 36 phố phường, nhưng nếu ai đã khám phá và hiểu về lịch sử Hà Nội thì phố Thụy Khuê chứa nhiều nét cổ mà không con phố nào của Hà Nội có được.
Dưới đây là những hình ảnh về con phố đặc biệt này:
Cổng đình làng Yên Thái, ngay ngã tư chợ Bưởi trên đường Thụy Khuê. Nơi đây vẫn thường diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của người dân của phường Bưởi, quận Tây Hồ. Làng Yên Thái ngày trước vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó, đã đi vào lòng người qua thơ ca, ca dao.
“Mịt mù khói tỏa nghìn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ”. (Ca dao) “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/ Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. (Nguyễn Huy Lượng - “Tụng Tây Hồ phú”)
Một cổng khác của làng An Thọ có tên cổng xanh ở địa chỉ 514 đã được tu bổ, khoác một tấm áo mới nhưng các chi tiết vẫn được giữ nguyên.
Trên đường Thụy Khuê có nhiều ngôi nhà vẫn giữ được mái ngói cổ kính thời xưa
Cổng làng Đông Xã, số 444 Thụy Khuê.
Cách đó khoảng 20m là đình Đông Xã. Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng.
Trên đường Thụy Khuê còn có đền thờ Vệ Quốc đại vương thời Lý, niên hiệu Thiên Thuận được lập từ năm 1128. Đền thờ hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ, hai nhân vật truyền thuyết thời Lý có công đánh giặc, giữ nước.
Đền Voi Phục thuộc làng Thụy Khuê cũ, nơi thờ Uy Linh Lang Đại Vương, một vị hoàng tử thời Lý đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược năm 1077.
Nhận xét
Đăng nhận xét