Ngày xưa Kẻ Bưởi


Vùng Kẻ Bưởi được người Pháp định danh khá tùy tiện bằng những cái tên khác nhau như Village du papier (Làng Giấy), Village des cochons (Làng Lợn), Village des pamplemousses (Làng Bưởi) hay giữ nguyên tiếng Việt. Ghi chú trên những bức bưu thiếp đầu thế kỉ XX cho thấy rõ điều này.

Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lich. Thiên Phù là chi lưu của Nhị Hà, tuy không còn nữa, nhưng nó lưu vết tích trong tên làng Võng Thị (có nghĩa là chợ bán lưới). Dưới triều Lý Nhân Tông, nước sông dâng cao  xoáy vào chân thành Thăng Long làm xói mòn, gây nguy cơ sụp thành. Nhà vua sai đắp đê ngăn nước nhưng không thành. Một đêm thần linh hiện về trong giấc mộng phán với nhà vua rằng, muốn trấn yên dòng nước dữ, vào một  sớm mai, phải hiến thần sông người đầu tiên đến bến sông này, sau đó phong cho làm Thần và lập miếu thờ.

Quan quân của vua đợi sẵn tại cửa thành. Quả nhiên sau có vợ chồng ông bà Vũ Phục bán dầu đi tới. Nhận được tin báo, nhà vua có ý thương xót, không muốn thực hiện lời Thần mộng bằng cách ức hiếp. Còn vợ chồng ông bà bán dầu, sau khi nghe lời trần tình của sứa giả, không hề tỏ ra lo sợ, vì nghĩa lớn họ tự nguyện gieo mình xuống sông làm vật tế hiến thần sông. Từ đây dòng sông lặng sóng, ở giữa sông xuất hiện gò cát, cao dần theo thời gian rồi lấp hẳn cửa sông Thiên Phù. Ở bãi đất này những quả bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi.

Bãi nổi lúc đầu hoang vắng, triều đình nhà Lý sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây vì thế tên gọi đầu tiên của bãi là Đống Ma phường, sau đổi thành Tích Ma phường.  Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này gọi là phiên chợ Ma phường.

Trên cái bãi ma ấy, vua sai bốn người lính đến trông coi lăng ông bà họ Vũ và thắp hương thờ cúng. Từ gốc gác bốn người lính, con cháu sinh sôi ngày càng đông, lập thành phường. Cái tên Tích Ma phường ghê rợn xưa bị xóa, đổi thành phường Yên Thái (hay còn gọi là An Thái).

Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công nổi tiếng: dệt lĩnh, làm giấy.  Trải qua nhiều đời, nghề làm giấy ngày càng phát triển, thiên hạ quen gọi là "giấy Bưởi". Thực ra không phải cả tổng Bưởi làm giấy mà chỉ riêng có ba thôn làm nghề này: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã. Nhờ nghề làm giấy phát đạt  Kẻ Bưởi từ một vùng lầy trũng của sông Nhị Hà, một bãi tha ma sau này đã trở thành một vùng dân cư sầm uất.


Photobucket

Bức ảnh của bác sĩ Hocquard là một trong những bức ảnh cổ nhất người Pháp chụp làng giấy Kẻ Bưởi (khoảng năm 1884 -1885)

Photobucket

Quang cảnh làng giấy bên sông Tô Lịch với những lán sản xuất giấy và những đìa ngâm dó

Photobucket

Bờ sông còn là nơi người dân dựng các lò gạch

Photobucket

Bưởi có 3 làng làm giấy: Yên Thái, Hồ Khẩu và Đông Xã. Nhờ dòng chữ trên cổng ta biết đây là cổng làng Đông Xã (số 444 Thụy Khê ngày nay)

Photobucket

Đây có thể là Cổng Giếng vào làng Yên Thái

Photobucket

Chú thích trên ảnh: Phong cảnh Làng Lợn.

Photobucket

Đình làng Lợn. Liệu đây có phải là đền An Thái với bốn chữ ghi trên tam quan "Mỹ tục khả phong", nơi thờ ông bà Vũ Phục? Hàng năm vào ngày tế lễ, lúc nghinh giá, kiệu vợ đi trước kiệu chồng vì theo tương truyền, khi gieo mình xuống sông người vợ nhảy xuống trước, người chồng nhảy theo sau. 

Photobucket

Chợ Bưởi nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân - Thụy Khê ngày nay.  Mang tính chất chợ vùng ven, chợ Bưởi là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, phải chăng vì thế người Pháp định danh là chợ Làng Lợn như chú thích trên ảnh (Marche au Village des cochons)

Photobucket

Đoạn cuối đường Thụy Khê ngày nay,  bám theo hướng di chuyển từ ngã ba về phía làng Yên Thái, bên trái các bức ảnh là khu đình làng nằm phía trong một cổng bề thế (số nhà 596 ngày nay). Hình ảnh hiện tại đình An Thái. Cách đó không xa, bên kia đường là đền Long Tỉnh (số nhà 577), vị trí của đền Long Tỉnh tạo ra nút thắt cổ chai trên đoạn đường ngày nay.

Photobucket

Cùng với chợ Mơ, chợ Bưởi là một trong những chợ cổ ở Hà Nội còn duy trì hình thức họp chợ phiên. “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng“.

Photobucket

Con đường vào thời gian về sau, vỉa hè được bó, trang phục của người dân có phần thay đổi, nhiều phụ nữ chuyển sang dùng nón lá thay cho nón chảo, nón ba tầm

Photobucket

Bức ảnh này rất quan trọng trong việc định danh, cũng như định vị khu chợ này. Ghi chú Chợ Bưởi (Pamplemousses) thuộc tỉnh Hà Đông cho biết bức ảnh được chụp sau năm 1915, khi Kẻ Bưởi trở thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.  Không gian trong ảnh nối tiếp những bức trước, điểm đáng chú ý là chiếc giếng ở góc phải ảnh, trong khuôn viên đền Long Tỉnh (ở bức ảnh này chỉ thấy cành cây cổ thụ chìa ra từ đền), có tên là Giếng Mắt Rồng

015_00115

Giếng làng

Photobucket

Ngày không họp chợ. Tiếp theo đền Long Tỉnh có một nhà bia kiểu phương đình với hai tầng mái, rồi đến một dãy nhà gồm mười lăm gian chuyên bán "giấy Bưởi". Khu làng nằm bên trái, trên thế đất cao có bờ kè đá.

Photobucket

Hướng chụp từ phía sông nơi dân làng đãi bột dó. Đám phụ nữ đang họp chợ bên bờ kè đá với những gánh vỏ dó. Giếng Mắt Rồng nằm bên trái bức ảnh, sát ra phía đường, một vành tròn lớn (cũng lọt vào khuôn hình bức ảnh trước) có thể là cối giã dó rất thường thấy xung quanh giếng (ảnh tham khảo

Photobucket

Các bức ảnh xếp theo trình tự không gian. Đền Long Tỉnh ở vị trí cây cổ thụ, tiếp đến là Giếng Mắt Rồng nằm sát đường đi (đường Thụy Khê). Lối rẽ bên phải dẫn vào làng Yên Thái qua Cổng Giếng ngày nay

Photobucket

Phiên chợ dó,  cũng góc chụp trên, Giếng Mắt Rồng đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây cả về mặt tâm linh. Tuy đã bị lấp năm 1985, nhưng những câu chuyện bí ẩn xung quanh Giếng Mắt Rồng và đền Long Tỉnh vẫn tiếp tục lan truyền.
Photobucket

Bức ảnh này dùng tiếng Việt Chợ Bưởi để chú thích

Photobucket

Tuy chỉ chú thích là Phiên chợ làng Bắc Bộ, nhưng người ta dễ dàng nhận ra Chợ Bưởi

Photobucket


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Tô Tịch

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng