Last Days of Hanoi (1)
Howard Sochurek (1925-1994): phóng viên ảnh người Mỹ, từng làm việc tại Liên Xô, Trung Đông, Mông Cổ và Việt nam. Cựu binh chiến tranh thế giới thứ II. Làm việc cho tạp chí Life từ năm 1950. Quãng thời gian quan trọng trong sự nghiệp phóng viên gắn với một giai đoạn lịch sử Việt nam: từ sự sụp đổ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; những ngày tiếp quản Hà nội, Hải Phòng, sự thay thế của Mỹ trong chiến tranh Đông Dương đến những biến động chính trị thời Ngô Đình Diệm... Những bộ ảnh về Việt nam: War in Indochina, Last Days of Hanoi, Report from Vietnam, Saigon "The Saturday Revolution" ...
Ngày 10/10/1954 trước đây được gọi là "ngày tiếp quản Thủ đô", cùng với thời gian, cụm từ này dần bị thay thế bằng "ngày giải phóng Thủ đô". Cách gọi sau dễ làm người ta liên tưởng đến những trận đánh, những cuộc tấn công giải phóng thành phố bằng sức mạnh quân sự, thực tế đây là cuộc chuyển giao thành phố một cách hoà bình, theo kế họach. Hiệp định Giơnevơ kí ngày 20-7-1954 chia cắt Việt nam thành 2 miền Nam - Bắc. Trong hiệp định có điều khoản "Chuyển giao hòa bình thành phố Hà Nội và khu 300 ngày". Hà Nội được gọi là khu 100 ngày, tiếp đến là Hải Dương, khu 300 ngày là Hải Phòng và Quảng Ninh. Người Việt có 300 ngày để lựa chọn cho mình miền đất để sinh sống.
Last Days of Hanoi - cái tựa mang nhiều ẩn ý - gồm khoảng hai nghìn bức ảnh phản ánh đời sống thường nhật cũng như những biến động lịch sử của Hà nội những ngày tháng 10 năm 1954. Mỗi sự việc, sự kiện được Howard Sochurek bấm máy liên tục ghi lại ở những khoảnh khắc và những góc độ khác nhau, nhờ đó dù có hay không chú thích, các bức ảnh khi đặt cạnh nhau, tự kể về diễn biến câu chuyện.
Một ngày Hà nội phố
Thời gian đếm ngược dần tới mốc 10/10/1954. Ít hay nhiều, mang tâm trạng của người sắp rời xa Hà nội, Howard Sochurek không chỉ chụp những gì tình cờ lọt vào ống kính, ông lang thang bám theo người trên phố, bấm máy liên tục. Những con phố vắng, yên tĩnh dấu bên trong lòng nó những biến động dữ dội. Nhiều bức ảnh có bóng dáng những chiếc xe tải nhà binh che bạt kín mít, chúng giống như những đám mây đen báo hiệu cơn dông sắp sập tới.
Phố Hà nội với những gánh quà sáng (bánh cuốn Thanh trì?), gánh trầu vỏ bán rong
và biển quảng cáo bữa điểm tâm Âu. (Nhà hàng 37 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm)
Những người phu với đòn gánh, thúng mủng đón xích lô ...
đi kiếm việc.
Phường bát âm đưa tiễn người quá cố
trên đại lộ Gia Long (đoạn ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, trước cổng Sứ quán Pháp ngày nay).
Sochurek PR cho nhà đòn Thiên Mỹ số 10 Phủ Doãn.
Người bán giỏ trên phố Mỹ Quốc (phố Tràng Thi) trước cửa Ty cảnh sát thành phố
Phụ nữ Hà nội với áo dài nền nã (trước cửa Bưu điện quốc tế)
...và những người ăn xin trên phố Pháp Quốc (phố Tràng Tiền)
Trước lúc ra đi, hai người đàn bà - một chủ, một tớ - muốn ghi vào tâm trí những hình ảnh thân thuộc: từ toà nhà thông tin trên phố Đinh Tiên Hoàng...
đến những kiosque hàng hoa góc phố Hàng Khay,
và Hồ Gươm với Tháp Rùa cổ kính
Trên phố trung tâm những thứ đồ vứt bỏ vội vã ...
trở thành trò nghịch ngợm của những đứa trẻ.
Cửa hàng của người Ấn tại 100 phố Hàng Đào. Những người hàng xóm Việt tò mò theo dõi động thái của những hàng xóm nước ngoài.
Đến nay Hà nội vẫn còn nhiều "tiệm cắt tóc" kiểu này
Phố Phan đình Phùng với những ngôi biệt thự và hai hàng sấu già trên cùng một bên hè
Khu phố người Pháp và tư sản người Việt được canh gác bởi những tốp lính
Chiếc xe tải bịt bùng và tốp lính tuần tra cho biết lý do việc chụp ảnh nơi này bị cảnh sát cấm
Khu thể thao vắng lặng, gần như bỏ hoang này
vài tháng trước đó còn rất đông. Đám lính dựng trại ở bãi pháo bên cạnh lấp ló sau bờ rào xem chơi tennis
Những người Việt giầu có đánh xe hơi chở gia đình tới đây. Toàn cảnh bức ảnh cho biết vị trí khu thể thao này rất gần toà nhà Sở Tài chính và Trước bạ Đông Dương (nay là trụ sở Bộ ngoại giao)
Vải phơi suốt dọc đê Yên Phụ
Hồ Trúc Bạch, chiều thu, vắng khách thuê thuyền
Quán chiều. Nóc gác chuông nhà thờ Cửa Bắc phía xa.
Nơi yêu thích của thanh niên Hà nội để tụ tập...
hẹn hò.
Chiều đổ bóng. Những bước chân vội vã.
Người phu rửa xe trước khi trở về nhà
(còn nữa)
Những bức hình đời thường này tuyệt quá, trước em ít khi ký tên vào ảnh vì cho rằng hình mình chụp không có gì đặc biệt. Nhưng nhìn mọi người phải chịu những bực mình khi hình mình chụp bị xào xáo vô tội vạ có khi em cũng phải sẽ suy nghĩ vụ ký tên cũng nên...
Trả lờiXóaĐã đăng lên mạng tức là có thiện chí chia sẻ. Cứ hỏi một câu đi hạơc ghi chú vào bài của mình. Đằng này blog lạnh như tờ, nhưng khi search thì ra cả mớ, thậm chí nguyên xi luôn.
Xóa...
Em thích cái này hở. Anh đã post 12 entries Last Days of Hanoi mà vẫn còn một đống ảnh của Sochurek chưa sắp xếp hết.
Chụp đời thường cần có 1 sự sắp xếp theo dòng thì sẽ thấy sự thú vị, mới nhìn thì không thấy đẹp long lanh như những cô người mẫu hay chụp close up nhưng sau này xem lại rất có cảm giác. Có điều chụp thể loại này phải khá kiên nhẫn "rình", da mặt phải dày. Trước em nhát lắm, sau này có kinh nghiệm hơn, pic hai bác chụp ảnh bên hồ Gươm, em cứ im lặng ngồi ngắm chờ đến khi bác gái "lạnh gáy" quay lại mới bấm :D
Trả lờiXóaAnh quên chưa nói rằng pic đó có cốt truyện. :)
Xóa