Last Days of Hanoi (12)

Phiên gác chung và người đàn ông lạ mặt trong Phủ toàn quyền


Không rõ Sochurek chụp những bức ảnh dưới đây vào ngày nào của tháng Mười vì trên trang web của LIFE hầu hết các bức trong Last Days of Hanoi đều đề ngày 1/10/1954 với dòng chú thích "...shortly before Communist takeover of city from French", nhưng dựa vào các sự kiện có thể đoán chúng được chụp trong khoảng thời gian sau khi đội trật tự vào thành phố (sáng 5/10) và trước khi người lính Pháp cuối cùng rời qua cầu Long Biên (chiều 09/10).

Sự hiện diện của những cảnh vệ Việt nam làm công tác tiếp quản và phối hợp canh gác với binh sĩ Pháp tại Phủ toàn quyền - toà nhà biểu tượng cho quyền lực tối cao - thu hút sự chú ý đặc biệt của Sochurek. Không được vào bên trong, ông "phục kích" tại đây, chụp nhiều bức ảnh qua hàng rào sắt.

Như trò chơi ghép hình, mỗi bức ảnh là một mảnh vụn, để ghép lại thành một bức tranh phải dựa vào nhiều dữ kiện (hướng chụp, đặc điểm thời tiết, sự chuyển động của các nhân vật...). Và rất dễ sai. Thử tạo một đoạn phim ngắn từ những bức ảnh na ná như nhau, trong đó có một chi tiết ngạc nhiên bất ngờ.

Photobucket


Một chiến sĩ cảnh vệ Việt nam đi tuần bằng xe đạp trước Phủ toàn quyền, trên ghi-đông xe cắm một lá cờ đỏ sao vàng. Theo diễn biến tiếp quản đội cảnh vệ vào thành phố ngày 8/10, phối hợp canh gác cùng binh sĩ Pháp tại 31 điểm trọng yếu trong đó có Phủ toàn quyền, hơn nữa trong ảnh không thấy bất cứ lá cờ nào (hoặc của Pháp hoặc Việt nam) treo trên cổng hay trong sân nên có thể suy đoán thời điểm chụp trước khi Việt minh chính thức tiếp quản thành phố (10/10)

Photobucket


Thời gian có lẽ buổi sáng. Toà nhà Phủ toàn quyền quay về hướng gần chính Đông, thời tiết Hà nội tháng Mười chịu ảnh hưởng của những đợt gió mùa Đông Bắc thường mưa nắng gián đoạn.

Photobucket


Có lẽ bất ngờ với cả người chụp, vô tình lọt vào khuôn hình một người đàn ông gầy gò, đen đúa mặc độc một chiếc quần đùi đang luống cuống chạy về phía hàng rào cạnh chòi canh. Có vẻ hơi khác thường khi một kẻ giống như dân vô gia cư xuất hiện ở khu vực nhạy cảm gồm toàn các cơ quan công quyền và khu biệt thự Pháp, hơn thế trong quãng thời gian giao thời (giới nghiêm về đêm, hạn chế ra đường) chỉ có kẻ điên mới dại dột mò tới nơi này.

Photobucket


Bên trong, một nhóm 7 người (2 cán bộ Việt nam, 5 binh sĩ Pháp) trên thềm Phủ toàn quyền. Toà nhà này hình chữ H với hai cánh đối xứng. Các khung cửa còn đóng kín. Người khoác cây súng dài đứng cạnh bờ lan can phải là một trong hai lính gác, trong các bức ảnh sau đều thấy anh ta di chuyển quanh vị trí này.

Photobucket


Ngoài người lính gác ở lại, những người khác vòng xuống phía dưới, rẽ về bên phải toà nhà. Trên khóm cây cảnh hình khối tròn và tầng dưới cùng của bồn hoa hình đài phun nước có những thứ đồ vải trăng trắng, có vẻ như ai đó phơi quần áo. Cũng lạ.

Photobucket


Lúc này nắng đã lên, khung cửa thứ hai bên cánh trái đã mở. Trên sân xuất hiện hai chiếc xe jeep. Thêm những binh sĩ Pháp đi lại quanh toà nhà. Nhóm người trên hiên có vẻ vừa đi từ trong ra. Vị trí của người lính gác không thay đổi.

Photobucket


Khuôn hình ngang vẫn với những nhân vật cũ, khác ở sự chuyển động của những ngưòi quanh hai chiếc xe phía dưới.

Photobucket


Có thể nhận ra rõ hơn hai vị cán bộ Việt nam trong số những người trên hiên

Photobucket


Rất khó sắp xếp các bức ảnh theo trình tự thời gian nếu không có bóng nắng in trên tường, trên ban-công, trên các hàng cột. Đặc biệt bóng hàng lan can in trên bậc thang lên hiên giúp rất nhiều trong việc sắp xếp các bức ảnh. Về trưa, khi mặt trời lên cao, bóng hàng lan can này thu hẹp lại.

Photobucket


Gần trưa, nắng đứng bóng dần. Chiếc xe jeep đã rời đi. Người lính gác với cây súng dài dịch chuyển sang vị trí mới bên khung cửa mở, có thể nhận ra anh ta là người da mầu, phía bên kia khung cửa là người lính gác cơ động.

Photobucket


Mục tiêu quan sát hình như thay đổi, người lính gác da mầu chuyển sang vị trí gần hàng lan can bên trái. Hướng nhìn của cả hai lính gác tập trung về phía căn phòng bên cánh phải toà nhà.

Photobucket


Từ một căn phòng phía đó xuất hiện rất nhiều người (trong ảnh tính cả số những người chỉ có bóng in xuống hiên là 10). Người Việt, ngoài hai cán bộ tiếp quản với sổ và giấy tờ trong tay có thêm hai người khác mặc đồ dân sự (có lẽ họ là nhân viên làm việc trong toà nhà). Hộ tống nhóm người này có các lính Pháp mang theo súng.

Photobucket


Họ vào sảnh chính bên trong toà nhà

Photobucket


Khẩu súng của người lính hộ tống này hoàn toàn khác kiểu của người trong ảnh trước nên có thể đoán lính hộ tống đi cùng ít nhất có hai

Photobucket


Thời gian trôi. Trên hiên chỉ còn lại duy nhất người lính gác da mầu.

Photobucket


Và rồi anh ta cũng biến mất. Có lẽ nhóm công tác kết thúc công việc buổi sáng. Đám binh sĩ rời về phía sau toà nhà. Sự chú ý của Sochurek lúc này tập trung vào việc xuất hiện của một gã đàn ông đen đúa, ở trần xuất hiện bên rãnh thoát nước. Từ xa nhìn lại hành động của gã trông rất kì quặc. 

Photobucket


Người này là ai? Liệu có phải gã điên hay kẻ vô gia cư Sochurek bắt gặp khi đang lẩn quất bên hàng rào toà nhà lúc trước? Nếu là một người bình thường chắn chắn anh ta chết khiếp khi thấy một lính Pháp đang tiến lại phía mình.

Photobucket


Nhưng gã thản nhiên đứng nhìn toà nhà. Nắng bừng sáng soi rõ chỗ gã đứng là vị trí một họng nước tưới cây. Hình như hắn tắm. Trên bờ rãnh có mấy cục hình vuông trăng trắng giống như xà phòng. Cái vật cầm trên tay là một cái ca men,  rất giống loại ca người lính Việt minh nào cũng có.

Photobucket


Đúng, chính xác là gã tắm. Thật kinh ngạc, dám tắm trước toà nhà tôn nghiêm bậc nhất toàn cõi Đông Dương. Mà kiểu tắm của gã thật thảm, ngồi trên miệng cống, hứng từng ca từ họng nước tưới cây và dội lên người.

Photobucket


Gã tắm tương đối lâu. Bóng nắng in trên cánh cửa mở đã đổ dài. Gần kết thúc, gã đặt cái ca sang một bên, nhưng Sochurek vẫn chưa nhận dạng được người đàn ông này. Số lượng ảnh chụp cảnh này cho thấu ông quyết tâm xác định kẻ mạo phạm là ai.

Photobucket


Và cái thời điểm ấy đã đến. Gã đàn ông xoay mặt lại khi với tay khoá họng nước. Bức ảnh crop lại dưới đây cho thấy chân dung gã đàn ông. Một lính Pháp da mầu!

Photobucket

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)