Last Days of Hanoi (11)

48 giờ cùng binh sĩ Pháp


Ngày 8-10-1954, Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ gồm 214 chiến sĩ được trang bị súng tuyn (chiến lợi phẩm của chiến dịch Điện Biên Phủ) tiến vào Hà Nội. Họ có nhiệm vụ phối hợp với binh sĩ Pháp chốt chặn, canh gác 35 vị trí quan trọng nhất trong nội thành gồm các công sở, nhà máy điện, nhà máy nước, các cơ sở giao thông công chính, bưu điện, đường sắt, xe điện...Thời gian "chung sống" với binh sĩ Pháp chỉ có 48 giờ, nhưng đó là những giờ phút thử thách phức tạp và căng thẳng.

Trước khi vào Hà Nội, các chiến sĩ được quán triệt nhiệm vụ: tiếp nhận sự bàn giao các vị trí đóng quân của Pháp, bảo đảm đời sống bình thường của Thủ đô, đặc biệt là điện và nước, bảo đảm an toàn cho đại quân vào tiếp quản ngày 10-10-1954, sẵn sàng chiến đấu, nếu địch gây chiến phá hoại Hiệp định, trở thành những tổ chiến đấu đóng chốt kiên cường trong lòng địch.

Trong entry này ngoài ảnh của Howard Sochurek còn có những bức chưa rõ tác giả. Câu chuyện của đại tá cựu chiến binh Vũ Huy Hậu (nguyên chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca) giúp ta hình dung rõ hơn bối cảnh những ngày này:

Tại Hội nghị Trung Giã, Pháp yêu cầu những người vào trước chỉ mang theo tiểu liên tuyn (chiến lợi phẩm thu được của Pháp), không mang súng trường, trung liên và lựu đạn vì súng trường và trung liên dùng để bắn tỉa rất tốt, gây lo ngại cho lính Pháp khi phải tiếp cận với quân ta. Ngoài súng đạn và những trang bị cần thiết cho sinh hoạt, chúng tôi mang theo một cái chổi đề phòng khi tiếp quản, công ty vệ sinh chưa làm việc thì có chổi quét đường, giữ cho thành phố luôn sạch sẽ.

Ngày 11/9/1954, chúng tôi bắt đầu từ Sơn Tây (Phùng) qua đò Châu Phan sang Chi Đông, Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ để học tập 10 điều kỷ luật và các chính sách ở vùng mới giải phóng của Chính phủ.

Ngày 7/10, chúng tôi hành quân về làng Vân ở sát bốt phía bắc cầu Đuống và nghỉ đêm tại đây. Bà con rất phấn khởi đón chúng tôi. Biết ngày mai chúng tôi sẽ sang Hà Nội sớm, bà con lo bữa ăn sáng cho chúng tôi: người mang gà, người mang rau đến... Anh nuôi từ chối mãi không được.

Theo Hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón chúng tôi tại cầu Đuống. Đúng 8 giờ sáng ngày 8/10/1954, chúng tôi đã có mặt ở phía bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời chúng tôi vào cầu. Lễ đón chính thức đoàn chúng tôi được tổ chức trên cầu Đuống.

Photobucket


Các chiến sỹ đặt chân lên cầu Đuống

Photobucket


Chính trị viên Vũ Huy Hậu đi chính giữa

Tại đây, một viên quan ba Pháp và đoàn tuỳ tùng ra đón. Cùng đi với họ có đồng chí Vi, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Bình Ca, nay được phái sang làm việc tại Uỷ ban Liên Hiệp đình chiến. Anh Vi giới thiệu với viên quan ba Pháp: “Ông Hậu là commandant du bataillon” (Chỉ huy tiểu đoàn). Viên quan ba tỏ thái độ kính trọng và lịch sự đón tiếp chúng tôi. Sau khi làm thủ tục, anh Hậu cùng viên quan ba dẫn đoàn qua cầu, về Hà Nội. Đầu cầu phía Hà Nội, một tiểu đội lính Pháp đứng bồng súng chào, khi đoàn chúng tôi đi qua.

Một đoàn xe GMC và xe bọc thép hộ tống đưa chúng tôi về Hà Nội. Bầu trời Hà Nội hôm ấy đầy mây, gió mùa đông bắc tràn về thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ. Lấy lý do trời mưa, viên quan ba Pháp yêu cầu các xe phủ bạt kín nhưng thực ra họ muốn dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng khi đến Gia Lâm, một số anh em ngồi ở đầu xe vén bạt, nhô đầu ra ngoài, nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường vẫy chào. Viên quan ba Pháp tỏ ý không hài lòng, chỉ huy xe phóng nhanh về Hà Nội.

Đến Hà Nội, xe đưa chúng tôi về tập kết tại Trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Viện Quân y 108). Tại đây, tiểu đoàn chúng tôi được chia thành 35 tổ, mỗi tổ có từ 3 đến 5 người, đứng thành đội ngũ chỉnh tề. Một nữ phóng viên người Pháp liên tục đưa ống kính về phía chúng tôi để ghi lại những hình ảnh mà bà chưa từng thấy bao giờ. Nét mặt những người gặp chúng tôi lộ vẻ căng thẳng buồn bã. Để xua tan không khí căng thẳng, tạo thuận lợi cho công việc sắp tới, anh Doãn Thạch Khôi, chính trị viên Đại đội 261 hô: “Vive la pair!” (Hoà bình muôn năm) rồi chủ động tới bắt tay sĩ quan Pháp.

Ôtô của Pháp đưa chúng tôi về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng, Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội, như: Phủ toàn quyền, toà thị chính, Toà án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hoả Lò, Bệnh viện Bạch Mai.

Photobucket


Sự xuất hiện của những cán bộ chiến sĩ ảnh vệ thu hút sự chú ý của ngưòi dân Hà nội (ảnh Sochurek)

Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch thì việc đầu tiên chúng phá chính là những nơi này. Nếu thực hiện được âm mưu đó, chúng sẽ gây cho ta không ít khó khăn. Do đó, bằng bất cứ g
iá nào chúng ta cũng phải giữ, không để chúng cưỡng bức dân di cư, không cho chúng phá hoại hoặc lấy đi bất cứ thứ gì của ta. Chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu mới, giữa hang ổ quân địch phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách không lường hết được, kể cả việc bị chúng thủ tiêu.. Nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Nhận được tin địch có âm mưu phá hoại nhà máy điện, nhà máy nước, do đó lực lượng ở hai nơi này đã được tăng cường. Ở nhà máy nước Yên Phụ, chiều ngày 8, địch đưa tới những bao bột trắng, đặt quanh giếng nước lọc, cơ sở của ta ở nhà máy nghi là thuốc độc nên đã bí mật liên hệ với đơn vị đấu tranh ngăn chặn, buộc địch phải chuyển những bao đó đi.

Ở trại pháo binh Ngọc Hà, địch định phá doanh trại. Đồng chí Nguyễn Hữu Thanh đã phải đấu tranh với chúng để giữ lại. Đặc biệt, ở bốt Công chính Hàng Vôi, bọn lính lê dương nhiều lần giả vờ say rượu, đòi lấy súng của ta. Chúng nói tiểu liên tuyn là súng của Pháp, phải trả lại chúng. Đồng chí Nghệ đã phải đấu tranh quyết liệt với chúng để giữ lại. Không phải chỉ có âm mưu phá hoại vật chất, chúng còn nhiều cách để dụ dỗ anh em ta đi vào Nam.

Khi đến Sở Cảnh sát Bắc Việt trên đường Trần Hưng Đạo, nay là Sở Công an Hà Nội, chúng tôi thấy địch đã căng một băng khẩu hiệu rất to trên lan can tầng 2, cắt bằng giấy vàng dán trên vải đỏ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta). Đây là một thủ đoạn thúc ép dân di cư. Chúng tôi đã đấu tranh yêu cầu chúng gỡ xuống. Chúng đã phải làm theo.

Trắng trợn hơn, chúng còn dùng gái để lôi kéo anh em ta. Đã xảy ra một chuyện như sau: Ngày 9/10, đồng chí Nguyễn Văn Phiên ở tổ cảnh sát Bắc Việt vừa mới bước ra cửa, có một phụ nữ từ đâu chạy tới, ôm chầm lấy, khóc nức nở, trách móc: “Anh ơi, anh đi đâu lâu thế mà chẳng nói năng gì với em?”. Nhân dân xung quanh thấy vậy xúm lại rất đông. Đồng chí Phiên ngớ người, không biết chuyện gì. Sau có một người dân hỏi mới biết cô ta ở Hải Dương, còn đồng chí tên Phiên thì ở Nghệ An (đồng chí Phiên nói tiếng Nghệ An). Mọi người ồ lên: “Cô nhầm rồi”. Lúc đó cô ta mới buông đồng chí Phiên ra rồi lặng lẽ bước đi.

Ngoài những chuyện phá hoại, chúng còn gây cho tiểu đoàn chúng tôi không ít khó khăn. Những ngày ở Hà Nội, việc ăn uống của chúng tôi do anh nuôi nấu. Ngày 2 bữa, Pháp phải chở xe đưa đến từng nơi, nhưng không bữa nào nó đưa đi hết 35 vị trí, chỉ khoảng một nửa, còn lại chúng “quên”, làm nhiều nơi anh em bị đói. Có nơi chúng “quên” cả hai ngày liền. Tại Sở Cảnh sát Bắc Việt, trong hai ngày chúng chỉ đưa đến cho chúng tôi một bữa. Một trong những điều quy định đối với bộ đội khi vào tiếp quản là không được mua bán hoặc nhận quà cáp của bất kỳ ai. Do đó không có cơm anh em chỉ có nhịn đói. Có nơi quân Pháp thấy anh em không có gì ăn, đem cho bánh mì, anh em không nhận, họ rất ngạc nhiên.

Do có thái độ kiên quyết nhưng cũng rất mềm dẻo của ta cho nên mọi âm mưu của địch không thực hiện được, trái lại, nhiều tên còn tỏ ra muốn thân thiện với ta. Có những tên lính khi thấy anh em ta hát, muốn đến chơi, nhưng sĩ quan của nó cấm.

Ở Sở Cảnh sát Bắc Việt, tối ngày 8/10, có một người lính nấu ăn, đến xem hát và nói chuyện với chúng tôi, đang xem bị một sĩ quan gọi lên, tát mấy cái rồi cấm không cho đến. Đêm, anh ta lại lẻn xuống, ném vào chỗ chúng tôi mấy bao thuốc lá. Qua câu chuyện anh ta kể, chúng tôi biết anh là người Đức, bị Pháp bắt làm tù binh trong Chiến tranh thế giới thứ II, đưa sang Việt Nam để phục vụ cho chúng. Ở nhà anh ta còn mẹ và em gái, muốn ở lại với chúng ta để mau chóng được về nước. Chiều ngày 9/10, khi Pháp rút đi, chúng điểm quân không có mặt, cho đi tìm mãi mới thấy anh ta ngồi trong một cái tủ ở tầng 2 đóng cửa lại. Chúng bắt, đánh một trận rồi tống lên xe.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)