Last Days of Hanoi (10)
Tiếp quản thị trấn Văn Điển
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
"Theo kế hoạch, Đại đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã Hà Đông và các thôn, xóm ngoại thành. Các trung đoàn thuộc Đại đoàn tiếp quản khu vực nội thành. Trung đoàn Thủ đô tiếp quản phía tây và bắc thành phố. Trung đoàn Tu Vũ tiếp quản phía nam và đông nam thành phố. Trung đoàn Bắc Bắc cử một tiểu đoàn tiếp quản sân bay Gia Lâm và chịu trách nhiệm tiếp quản phía tây nam thành phố.
Tuy nhiên, đã xảy ra một sự kiện ngoài kế hoạch: Quân Pháp bất ngờ rút sớm khỏi thị trấn Văn Điển từ sáng ngày 6-10-1954. Được tin, đồng chí Đinh Kim Khánh, Tham mưu trưởng Trung đoàn Tu Vũ đã cấp tốc điều động một phân đội vừa đi, vừa chạy tới Văn Điển, kịp lúc quân Pháp mới rút. Tổ ba người và Tham mưu trưởng Khánh chạy đầu, tới nơi lập ngay một bốt gác và một ba-ri-e giữa khu phố chợ. Sự có mặt kịp thời của bộ đội ta đã ngăn chặn được các hành động cướp phá, lập ngay trật tự, an ninh tại thị trấn Văn Điển. Một chiếc xe Jeep chở hai ký giả phương Tây muốn vượt ba-ri-e, đồng chí Khánh biết tiếng Pháp đứng ra giải thích, hai nhà báo chấp thuận, chỉ xin chụp một kiểu ảnh bộ đội Việt Nam tiếp quản thị trấn Văn Điển."
Sochurek nhanh chóng có mặt tại thị trấn Văn Điển. Một buổi sáng sũng nước. Trên con đường dẫn vào thành phố các đơn vị lính Pháp đang rút quân, xe jeep của chỉ huy đi đầu. Từng đoàn xe quân sự phóng vút qua. Trời đổ mưa. Lính Pháp để ba lô, súng ống trên mặt đường tìm chỗ trú. Thời tiết âm u làm tâm trạng họ thêm nặng nề. Sochurek hình như tránh hướng ống kính về phía những người lính, thay vì chụp những con người cụ thể, ông đặc tả những thứ họ để trên mặt đường. Mỗi chiếc ba lô với dòng số hiệu là một con người, chúng ngay ngắn xếp thành đội ngũ, phân biệt rõ vị trí của lính và chỉ huy. Phản ánh tính kỉ luật và tác phong nhà binh nhưng không khí trong các bức ảnh âm u một cảm xúc nặng nề, u uất.
Ở tâm thế trái ngược là những người lính Việt Minh. Lúc này trời đã tạnh mưa. Trên con đường vừa khuất bóng các đơn vị lính Pháp, những người lính vào tiếp quản thị trấn phấn khích bỏ mũ reo hò, vẫy chào mọi người. Khác hẳn khi chụp lính Pháp, ống kính Sochurek chủ yếu hướng vào các chiến sĩ Việt nam, họ rất trẻ, gương mặt rạng rỡ nụ cười. Chụp ba lô, quân trang, súng ống, những chiếc đòn tre để trên đường Sochurek hướng tới mục đích thoả mãn sự tò mò của đọc giả phương Tây, hơn là cách để bầy tỏ một thái độ.
<
Dưới ống kính của Sochrek chân dung người lính Việt Minh hiện lên khách quan, không chỉ dáng vẻ bên ngoài, mà cả cái chất ẩn chứa bên trong. Bằng ba bức ảnh thoạt nhìn tưởng chụp vu vơ, với bố cục lộn xộn, tác giả kể về một chi tiết dễ thương mà ông bắt gặp. Xin lưu ý: trình tự sắp xếp dưới đây ngược với thời gian chụp.
Những người lính đứng gác tại một chốt trên đường vào thị trấn. Trời mưa. Phía sau đồng không mông quạnh.
Trước sự xuất hiện của phóng viên nước ngoài người lính choàng tấm nilon (trong ảnh chỉ thoáng thấy một bên chân với chiếc tất lộn ra ngoài giầy) vội rời vị trí đứng lúc trước, phía sau là một em bé run rẩy vì mưa lạnh.
Vị trí người lính đứng gác lúc đầu, bên cây cột biển báo dành cho tầu hoả. Gương mặt người lính rất trẻ, gần như một cậu bé mới lớn. Dưới lần tấm nilon của anh, giống hình ảnh gà mẹ xù lông dang cánh che chở gà con, một cậu bé con trú mưa.
Nhận xét
Đăng nhận xét