Hà Nội Xưa - Phố Cầu Gỗ
Phố Cầu Gỗ dài khoảng 250m, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Hàng Thùng đến phố Hàng Gai, cắt ngang phố Nguyễn Hữu Huân, phố Hàng Bè và qua ngã ba các phố: Hàng Dầu, Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, Hàng Đào.
Phố Cầu Gỗ nằm trên nền đất xưa thuộc hai thôn Hương Mính và Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình của thôn Nhiễm Thượng hiện nay là số nhà 64, thờ Thành Hoàng. Phố được đặt tên là Cầu Gỗ vì ngày xưa trên phố có một cây cầu bằng gỗ bắc qua con mương nhỏ nối hồ Thái Cực (còn gọi là hồ Hàng Đào) và hồ Hoàn Kiếm. Đến thời Pháp thuộc, hồ Thái Cực và con mương nhỏ cùng cây cầu bị lấp đi nhưng nhân dân vẫn quen gọi là phố Cầu Gỗ (Rue du Pont en Bois).
Những năm 70-80 thế kỷ 19, phố Cầu Gỗ mặt đường nhỏ, hẹp. Nhà cửa ở đây làm từ xưa nên hầu hết xây theo kiểu cổ, một tầng lợp ngói ta và có gác xép; hai tầng thì chồng diêm, thấp, hẹp bề ngang. Nhiều nhà nền thấp hơn mặt đường đến hai ba bậc. Phố có nhiều nhà mở cửa hàng bán cơm cho học trò trọ học.
Phố Cầu Gỗ xưa buôn bán nhiều mặt hàng như sơn sống, thứ sơn dùng làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, hoành phi câu đối... và các loại dầu lạc, dầu vừng cung cấp cho Hà Nội.
Ngoài ra, Cầu Gỗ xưa còn có một nghề khá đặc biệt là nghề đóng xe tay (xe do người kéo) và nhờ nó mà nhiều nhà trở nên giàu có. Sau Cách mạng tháng Tám, các cửa hàng này chuyển sang đóng xe xích lô, nổi tiếng như nhà ông Hai Chinh, ông An Thái.
Đến những năm đầu thế kỷ 20, phố Cầu Gỗ được mở rộng thành đường giao thông chính. Tại đây có ga tàu điện đi Hà Đông và chỗ đổi đầu máy ở ngay đầu phố. Do vậy, nhiều hàng nước, hàng quà được mở ra phục vụ khách đợi tàu.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, điểm bắt đầu của các phố Hàng Gai, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và Cầu Gỗ. Trong ảnh chiếc xe cút kít đang chuyển động về hướng phố Cầu Gỗ.
Hướng chụp từ phố Hàng Gai. Đảo giao thông, nơi người đàn ông ngồi nghỉ trong bức ảnh trước, có nhiều cây xanh. Tuy rất gần Hồ Gươm, nhưng phố Cầu Gỗ (bìa trái ảnh) bị khuất bởi một dẫy phố nằm kế bên Hồ - phố Đinh Tiên Hoàng (bìa phải ảnh). Ngôi nhà phía sau đảo giao thông chính là toà nhà Hàm Cá Mập ngày nay.
Vị trí tuy khuất nhưng lại kề với những chốn đô hội (hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Đào), gần Ga xe điện Bờ Hồ... nên Cầu Gỗ cũng là một phố của những cư dân làm nhiều nghề "dịch vụ" như nghề đóng mới và sửa chữa các loại xe tay, các phòng trọ cho sĩ tử ra kinh thi trú ngụ, vừa gần phố bán giấy bút là Hàng Gai, lại gần nơi thờ Văn Xương trong đền Ngọc Sơn phù hộ cho việc học.
Phố Cầu Gỗ hoang vu, vắng lặng trong buổi sáng 10/10/1954. Ảnh của Howard Sochurek
Nhận xét
Đăng nhận xét