Hà Nội Xưa - Phố Hồ Hoàn Kiếm


Thời Pháp thuộc phố có tên là Philharmonique. Người dân quen gọi là ngõ Hàng Chè. Sau 1945 đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm. Phố dài 52m, là phố ngắn nhất Hà Nội. Phố chạy từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng, thông sang Hồ Hoàn Kiếm.

Photobucket

Theo HNM 

Hà Nội có một phố ngắn, có thể đó mới là phố ngắn nhất. Phố ấy là phố Hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm thì ai ai cũng biết, nó đã thành biểu tượng của Hà Nội, thành nỗi nhớ của bao người. Hồ bao quanh bởi phố Đinh Tiên Hoàng từ phía bắc vòng qua phía đông. Phía nam là phố Hàng Khay. Phía tây là phố Lê Thái Tổ.

Cái tên phố Hồ Hoàn Kiếm thì lại ít người chú ý vì phố ấy quá ngắn, quá nhỏ lọt thỏm vào khu vực rộng rãi đông đúc.

Phố ấy một bên chỉ có một số nhà, thậm chí cả bên kia có vài số nhà, tất cả đều là số phụ của những ngôi nhà hoặc cửa chính ăn ra phố Đinh Tiên Hoàng, hoặc ăn ra phố Cầu Gỗ. Nên gọi là phố không có số nhà của riêng mình cũng được. Phố chỉ dài có 52m, tức chỉ bằng khoảng cách giữa hai cột đèn.

Theo “Đường phố Hà Nội” của Trần Huy Bá và Nguyễn Vĩnh Phúc, thì đây nguyên là đất của thôn Tả Vọng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nó chỉ như là một cái gạch nối, một cái ngách ngang ăn thông từ phố Đinh Tiên Hoàng sang giữa phố Cầu Gỗ, cái rạp chiếu bóng Hòa Bình (nguyên xưa kia là rạp Philhamonique) nay đã được phá sạch đi để thay bằng một rạp múa rối. Một bên phố là mặt cạnh của một ngôi nhà ba tầng số 53 Đinh Tiên Hoàng của một ông họ Đỗ, mà người viết bài này đã là học trò của một gia sư mang họ Đỗ ấy. Ngôi nhà ba tầng này từng có thời kỳ là “Quán nghệ sĩ” nổi tiếng. Mấy chục năm gần đây, trở thành hiệu sách dành riêng cho thiếu nhi, và nay chỉ là hiệu sách (và cả bách hóa điện máy) đơn thuần.

Photobucket

Bức ảnh Hội nhạc (Societe Philharmonique) thời kì đầu, khi chưa có hệ thống cột điện và đường xe điện. So sánh những thay đổi kiến trúc ở những bức ảnh dưới có thể nhận thấy hoặc toà nhà này được mở rộng về sau.

Photobucket

Hai cây sữa cổ thụ bị chặt đi để xây thêm phần cánh phải toà nhà với những vòm cửa sổ khác hẳn phần cũ. Bờ nóc, mái đón và cánh trái toà nhà cũng được xây thêm.

Photobucket

Hệ thống cột điện và đèn chiếu sáng của Hà Nội nói chung, quanh hồ Hoàn Kiếm nói riêng thay đổi theo thời gian

Photobucket

Nhờ có Toà Hội nhạc nên có thể xác định con phố dẫn về phía bìa trái ảnh chính là phố Hồ Hoàn Kiếm. Vòng cua của đường tàu điện dễ làm ta nhầm vị trí này với góc phố Hàng Dầu - Đinh Tiên Hoàng.

Photobucket

Cờ Pháp rực rỡ tung bay quanh Hội nhạc mỗi lần có biểu diễn

Photobucket

Sau loạt ảnh trên có thể nhận ra bức ảnh chụp toà nhà Hội nhạc từ phía bên này hồ (ảnh dưới bên phải) in ngược.

Photobucket

Lật ngược lại sẽ rất dễ dàng nhận ra nó.

Phố Hồ Hoàn Kiếm tuy nhỏ nhưng hẳn nhiều thế hệ người Hà Nội vẫn còn nhớ rõ, nhất là những học sinh, những cô gái trẻ, những người thích ăn quà vặt. Bởi nó có một món quà đặc biệt khó quên, đầy hấp dẫn, rất ngon mà không đắt, ghé qua ăn một chút, chẳng mất bao nhiêu thì giờ. Đó là món thịt bò khô.

Mới nhớ đến nó, gọi tên nó thôi mà đã thấy bao nhiêu kỷ niệm ùa về, với những mùi những vị phảng phất, những tháng ngày trẻ trung đi học, đi chơi túm năm tụm ba cùng nhóm bạn bè cùng lớp…

Sợi đu đủ xanh nạo nhỏ giòn tan, không khô cứng cũng không sũng nước, được ngập tràn vào giấm ớt. Miếng thịt bò phơi khô tẩm húng lìu màu nâu đỏ, vừa dẻo vừa dai vừa quánh, cái vị giấm chua giấm ngọt, mùi thơm thơm của giấm tỏi, cái cay nồng của tương ớt, cái dìu dịu của rau thơm rau mùi thưa thoảng… tất cả được xếp lên nhau, lồng vào nhau, hòa trong nhau trong cái đĩa nhỉ tí xíu. Hấp dẫn đến lạ lùng.

Có điều, không nhiều người bán thịt bò khô lắm dù khách bao giờ cũng đông. Đặc biệt có một người Hoa ki
ều chuyên mặc quần áo lụa đen người hơi gầy gầy, ít nói là đắt hàng hơn cả. Tất cả “nguyên vật liệu” cho món quà được đặt trong một cái gần như cái thúng, có một ngăn kính đựng thịt bò khô, một bên là mấy thanh gỗ chắn để các chai giấm ớt. Cái thúng ấy có quai song như một cái cầu vồng để dễ bề di chuyển khi cần thiết, khoác vào tay là xong. Tất cả được đặt lên một cái chân ca, dưới có sợi thừng chằng cho chắc.

Chú khách ấy vừa cắt thịt bằng kéo giống như kéo thợ may, vừa đánh kéo tanh tách, tiếng to hơn kéo cắt tóc, thành một âm thanh tiếng sắt tiếng gang trong đục, một bản nhạc riêng biệt, một tiếng nói riêng biệt, tiếng nói của cay chua mặn ngọi bùi chát, tiếng nói dành cho tuổi học trò, cho thanh nữ, cho những cái lưỡi thích xuýt xoa.

Mỗi khi bốc xong đu đủ ra đĩa (không bao giờ là bát) cắt xong thịt, nghe thấy cả tiếng sần sật của cái khô tái, cái chín nửa chừng, của thịt lẫn gân, chủ dùng hai tay cầm hai chai giấm xóc xóc với một nhịp điệu mạnh, dồndập như có sức thúc giục vô hình, rồi đưa món quà hoàn chỉnh cho khách trong im lặng. Khách cũng im lặng đỡ lấy cái cay chua hấp dẫn ấy, vừa ăn vừa rỏ nước mắt nước mũi trong thích thú, trong say mê, trong cái ăn một thể không gọi tiếp.

Không có phố nào có món thịt bò khô ngon như ở đây. Khách cứ đứng mà ăn, đông suốt trưa suốt chiều, đến chạng vạng tối.

Người Hà Nội ăn quà cũng lạ. Tết, ngay từ chiều mùng một, người ta đã đi tìm bún riêu, với thịt bò khô thì quả là hấp dẫn sau bữa cỗ thịt mỡ bánh chưng; như sau đoạn đường xa nắng gắt, cần chỗ dừng chân trong bóng cây mát rượi; như sau những ngày phẳng lặng của hạnh phúc gia đình quá ngọt ngào đến tẻ ngắt, máu giang hồ vặt nổi lên, dù có gập gềnh đôi chút cho thi vị; sau một đêm ngột ngạt oi nồng, cần buổi sáng mát mẻ thoáng đãng rộng dài có bướm vàng hoa dại… Thịt bò khô là thứ xả hơi ấy, là thứ người ta cần tìm kiếm ấy. Nó gây ra cái ảo giác cho đầu lưỡi. Nó cũng là một thứ ma túy không độc hại, tạo ra say sưa của vị giác, có thể một phần trần tục chăng?

Người kỹ tính bảo thịt ấy chưa chắc đã là thịt bò, hoặc được phơi trần trụi trên những mái tôn ở phố Sầm Công, Hàng Buồm, ruồi nhặng và bụi bặm lắm đấy. Nhưng cũng lại nghiệm ra rằng ít ai bị ngộ độc, bị cái bụng nó hành vì món này. Vậy thì cứ ăn cho thích ăn nhiều giấm tỏi vào là yên tâm là khoái, là vui rồi.

Lại có những người bảo chẳng qua đó cũng là nộm. Vâng, nộm. Nhưng nó không hề giống đĩa nộm su hào có lạc rang trong cỗ cưới, không giống đĩa nộm đầy tú hụ ở ngõ chợ Đồng Xuân, có cả giá đỗ, cả vừng, cà rốt. Thịt bò khô cứ chỉ là thịt bò khô. Nó không chỉ là nó. Giống như mỗi chúng ta, ta chỉ là ta. Hoặc người con gái ấy chỉ là người con gái ấy, không thể có người thứ hai trên thế gian này là người con gái ấy.

Ở phố Hồ Hoàn Kiếm hiện nay vẫn có người bán món thịt bò khô ấy, nhưng không hiểu sao khách ăn thưa thớt. Phải chăng người ta không thích cay chua (vì cuộc đời đã cho nhiều cay chua quá), hoặc người làm món ấy không có đủ kỹ thuật để ngon bằng trước?

Tuy vậy, một lần ăn thịt bò khô, không thể quên nó dễ dàng. Cái cay chua mặn chát ngọt bùi… của nó như còn dư vị nhiều thời gian nữa.

Cái phố ngắn nhất Hà Nội này lại có một món quà độc đáo (không hiểu có nên cho nó là nhất không?) cũng là một nét riêng rất Hà Nội vậy.


Phố Hồ Hoàn Kiếm khi chiều xuống

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tô Tịch