Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đậu


Hàng Đậu (Rue des Graines)  là một đường phố khá quan trọng, được ví như yếu hầu của Hà Nội, dẫn đến cả một vùng bao la phía Đông và Đông Bắc bên kia sông Hồng. Phố dẫn từ đê Yên Phụ phía bờ sông vào ngã năm đầu Hàng Than - Hàng Giấy - Quan Thánh - Hàng Cót.


Photobucket

Bưu ảnh ghép đề ngày 29 tháng 9 năm 1901 với bức ảnh phố Hàng Đậu (Rue des graines) cùng tháp nước cuối đường

Photobucket

So với bức ảnh trước, phố Hàng Đậu thời kì này không có gì thay đổi. Vẫn hướng chụp từ phố Bờ Sông. Đoạn đầu phố là chợ tre nứa.

Photobucket

Đường phố đã được nắn và bó vỉa hè

Photobucket

Tùy bút của Băng Sơn

Xưa đây là phố bán buôn các loại đậu hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu tương… nằm kề ngay sát mép nước sông Hồng, thuyền bè san sát, ghe thuyền tấp nập, sóng nước lao xao… Dâu bể tang thương, con sông lùi xa, cây cầu Long Biên mọc lên, bến xe Bến Nứa hình thành, nhà cửa thay đổi, đền chùa cũng chỉ còn là dư âm vang vọng, nhường cho buôn bán đời thường.

Cuối thế kỷ trước, Hàng Đậu có ngôi trường nổi tiếng của Tiến sĩ Lê Đình Duyên, hiệu Cúc Hiên. Ông là một trí thức, sĩ phu yêu nước của đất Bắc Hà. Trong một lần ngăn cản tên lái buôn gián điệp Jean Dupuis vẽ thành Cửa Bắc, ông bị chúng hành hung đánh đập ngay trên hè phố và bị thương nặng. Dân chúng đã vô cùng phẫn nộ trước hành động và tội ác của những tên xâm lược. Ông từng giữ chức Đốc học Hà Nội, đã góp công không nhỏ đào tạo một lớp trí thức cho Hà Nội. Ngôi trường ấy do học trò môn sinh góp tiền dựng lên, vừa là nhà trường sau vừa là nơi thờ ông, nay ở khoảng số nhà 39.

Thời ấy, ngã tư Hàng Đậu – Nguyễn Thiếp (thường đọc nhầm là Nguyễn Thiệp) là cửa ô Phúc Lâm (không phải ô Phúc Lâm phía sau) vì đây là đất thuộc các thôn Phúc Lâm, Nghĩa Hưng của tổng Tiền Túc và Hậu Túc (sau là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương.

Phố Hàng Đậu nay dài 272m, nối dốc cầu Long Biên với phố Phan Đình Phùng. Chỗ ngã tư Hàng Giấy – Hàng Than – Phan Đình Phùng còn một công trình khá đồ sộ đất nước xây dựng từ cuối thế kỷ trước. Đó là một khối trụ tròn, tưởng như một pháo đài, ba tầng, lợp tôn, xung quanh có những cửa sổ nhỏ gô tích như lỗ châu mai. Một chứng nhân của Hà Nội đây, để ghi lại thời gian, nói thêm về lịch sử. Nên bảo tồn lắm.


Photobucket
 
Tháp nước được xây năm 1894 bằng đá phá thành Hà Nội. Nước từ nhà máy Yên Phụ được đưa lên tháp để phân phối theo ống dẫn đi khắp nơi trong thành phố.

Tờ báo An ninh Thủ đô xưa kia là một bộ phận của bóp Hàng Đậu, một trong hai bóp cảnh sát lớn của Hà Nội (bóp Hàng Trống nữa). Ở đây ăn rộng sang đầu Phan Đình Phùng, Hàng Cót.

Vườn hoa Vạn Xuân nằm trên đường Phan Đình Phùng, mà người dân quen cho nó cái tên: Vườn Hàng Đậu, là vườn hoa lớn, có vòi phun nước, có cây cao bóng cả, tết đến, chợ hoa Hàng Lược thường tràn người và hoa sang đây cũng là một nét đẹp đặc biệt của Hà Nội.

Phố Hàng Đậu nay không ai buôn bán đậu mà phần lớn là buôn bán lốp ôtô, sửa chữa và bán phụ tùng ôtô, xe máy, là một phố tiếp khách đầu tiên khi khách tiếp xúc với Hà Nội, khi vừa rời khỏi cây cầu Long Biên hai mươi nhịp.

Phố Hàng Đậu ít cây cối, xe cộ tấp nập ngày đêm, là một phố có chiều ngang khá rộng nhưng ngắn của Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)