Hà Nội Xưa - Phố Hàng Mắm

Phố Hàng Mắm (Rue de la Saumure) Con phố dài 188m, đi từ đường Trần Nhật Duật cắt ngã tư Hàng Tre và cắt Nguyễn Hữu Huân đến chỗ tiếp nối với Hàng Bạc, chỗ ngã ba Hàng Bè, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Photobucket

Theo: hanoi.gov.vn

Phố Hàng Mắm bây giờ là tên một phố từ phố Bờ Sông vào đến phố Hàng Bạc; trước đó con đường này là hai phố khác nhau, một ở trong và một ở ngoài cửa ô Ưu Nghĩa, có cổng xây canh gác ban đêm. Bên trong cửa ô là phố Hàng Mắm thuộc thôn ưu Nghĩa, tổng Hữu Túc; bên ngoài cửa ô là phố Hàng Trứng thuộc thôn Thanh Yên tổng Tả Túc

Sách “Vũ Trung Tuỳ Bút” của Phạm Đình Hổ có viết về nơi đây: “Vạn Hàng Mắm” tức là bến sông, người làng sống dưới thuyền buôn mắm.

Nhà cửa trong phố Hàng Mắm đa số kiểu cổ như các nhà ở những phố cổ của Hà Nội trong khu vực này. Tuy nhiên vụ cháy lớn đầu năm 1891 đã thiêu huỷ toàn bộ nhà cửa trong phố; quang cảnh nhà cổ sau này ta thấy cũng chỉ là có sau vụ hoả hoạn đó, vì về sau chỉ có số ít nhà mới làm hoặc cải tạo sửa chữa lại mặt đằng trước cho hợp thời. Nói chung phố Hàng Mắm vẫn còn có thể giữ được hình ảnh của phố cổ. Ngay cả trong thời kỳ có chiến sự ở Hà Nội 1946 - 1947, nhà cửa phố Hàng Mắm cũng không bị thiệt hại mấy.

Cho cả những năm ba mươi bốn mươi phố Hàng Mắm hãy còn nhiều cửa hàng bày bán mắm tôm đặc trưng trong chậu sành, gạt bằng thành xương sườn trâu; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, vợi bằng thùng gỗ bán dần; cua rạm muối, mỗi chuyến cất hàng năm bảy tạ, bán buôn đi nơi khác. Hàng bán buôn là chính, do phường buôn mang đi các tỉnh. Những năm sau Hàng Mắm có thêm cửa hàng buôn đồ nấu cỗ như vây bóng mực khô...Nhà buôn mắm nổi tiếng là nhà cụ Tú Dâu (nhà số 28, nhà cổ thềm cao); Cự Xương (số 6); Cự Hải (số 1) và Cự Tài (số 150 phố Bờ Sông), ba nhà này là anh em trong một gia đình.

Hàng Mắm còn có cửa hàng bán đồ đá: nhà Ba ký (hiệu Lê Trung Ký) ở góc phố số 24 là nhà bán đồ đá lâu đời và phát đạt nhất.

Đoạn phố ngoài cửa ô xưa kia gọi là Vạn Nước Mắm, sau có tên là phố Hàng Trứng, vì ở chỗ này có ít cửa hàng buôn bán mắm mà đông nhà buôn bán trứng. Trứng Vịt do thuyền chở từ vùng Ninh Bình, Phát Diệm lên, đóng từng sọt lớn lót rơm, gọi là trứng đông.

Dân phố Hàng Mắm thường thì chồng đi làm các công sở hoặc sở tư, hãng buôn, xí nghiệp của Pháp, vợ mở cửa hàng buôn bán, và làm giàu về buôn bán.


Photobucket

Năm 1884, bác sĩ Hocquard mô tả: “Cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”; thì 50 năm sau, năm 1934 Bonifaci mô tả: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm cá khô. Cửa hàng mắm xen lẫn cửa hàng bán vại sành, tiêu sành, bia đá, đá kè chân cột, đá mài, đá bọt... Cửa hàng nào đằng trước cũng treo một lồng chim họa mi”.

Photobucket

Phố Hàng Mắm (Rue de la Saumure) trước năm 1910

 photo RuedelaSaumure-1.jpg

Tấm bưu ảnh ghi chú là Hàng Mắm nhưng thực ra là đoạn phố cuối Hàng Bạc.


Đến nay, người bán mắm chuyển hết vào chợ Hàng Bè, tên phố vẫn còn nhưng vẫn giữ những mặt hàng chế tác từ đá mà chủ yếu là bia mộ, tiểu sành. Ảnh Chris trên Flickr.com 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)