Hà Nội Xưa - Phố Đồng Xuân
Phố Đồng Xuân (Rue du Riz) dài khoảng một trăm bảy mươi mét, nối tiếp phố Hàng Giấy chỗ ngã tư Hàng Khoai, cắt qua ngã tư Hàng Chiếu, Hàng Mã, qua Ngõ Gạch đến phố Hàng Đường, hướng ra hồ Hoàn Kiếm, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Tên phố Đồng Xuân xuất hiện từ sau năm 1945.
Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Hàng Gạo (Rue du Riz). Nửa phố về phía Đông Bắc là chợ Đồng Xuân. Chợ nguyên là hai chợ cổ của Thăng Long xưa: Chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ Bạch Mã ra đời năm 1035, lúc đầu gọi là chợ Cửa Đông, đến thời Trần đổi là Bạch Mã vì ở gần đền Bạch Mã (nay ở số 76 phố Hàng Buồm), chợ Cầu Đông ở cạnh chùa Cầu Đông (nay ở 38B phố Hàng Đường), xưa cả hai đều nằm trên bờ sông Tô Lịch. Nằm ven theo sông Tô còn có Chợ Gạo, Chợ Hàng Cá. Năm 1889, thực dân Pháp lấp sông Tô Lịch ở đoạn này, mở phố xá mới và đồn 2 chợ Bạch Mã và Cầu Đông nói trên tới bãi đất trống cạnh đình Đồng Xuân, lập thành một chợ mới và từ đó tới nay đều gọi là Chợ Đồng Xuân.
Toàn cảnh phố Đồng Xuân nhìn từ phố Hàng Giấy. Đền Đồng Xuân trong ảnh nay đã biến thành một cửa hàng, số nhà 83.
Ngã tư Hàng Khoai - Đồng Xuân
Lúc đầu chợ Đồng Xuân được rào bằng tre nứa, về sau được thay bằng khung sắt, mái tôn. Có năm cầu chợ, mỗi cầu dài 52 m, cao 19m. Chợ khánh thành vào năm 1890.
Nằm gần ga Đầu Cầu, chợ Đồng Xuân là điểm thuận lợi để hàng hóa bốn phương dồn về đây cũng như từ đây tỏa đi các nơi. Khi xây dựng chợ người Pháp để chừa ra một khoảng đất rộng ở đằng trước, sau này là chỗ tránh nhau của đường xe điện Bờ Hồ - Chợ Bưởi. Chỗ đó còn kê mấy ghế đá dưới bóng mát hàng cây.
Trên lối vào chợ. Bức ảnh này gợi cảm hứng để có thể viết Dong Xuan Love story
Một góc chợ Đồng Xuân - Bắc Qua
Một góc chợ Đồng Xuân - Bắc Qua
Cảnh buôn bán bên trong chợ, nơi mỗi cầu chợ được dành cho một ngành hàng.
Khu vực bán cây hoa cảnh thu hút các bà đầm. Trong ảnh ta có thể nhận thấy một phần của nhà máy sợi Bourgouin Meiffre (nhà máy sợi Bắc Qua), được xây dựng năm 1891 ở sau chợ Đồng Xuân.
Những bức ảnh thời kì đầu cho thấy mặt tiền của chợ chưa được xây
Dòng lưu bút đề ngày 17/11/1906
Chú thích trên ảnh Một ông quan đi bộ trên phố. Có thể nhận ra phố Đồng Xuân nhờ những mái tôn đặc trưng ở bìa phải bức ảnh. Nhóm người, có vẻ vừa thăm chợ ra. Ông quan (không biết có tham) hom hem bên cạnh bà vợ sung mãn. Đoàn người với ô lọng ddi chuyển về hướng phố Hàng Đường.
Dãy nhà số chẵn đối diện chợ Đồng Xuân
Phố Đồng Xuân là một đường phố ngắn, nhưng lại có vị trí buôn bán thuận lợi. Có thể coi là một bộ phận của chợ Đồng Xuân: các cửa hàng chuyên bán hàng khô để nấu cỗ; có mấy nhà làm và bán hương (Tân Mỹ số 14); thuốc lào (Giang ký số 16 và Xuân Hương số 24); vài ba nhà bán thịt quay; một hiệu đại lý cho nhà máy thuốc lá Yên Phụ.
Đoạn phố Đồng Xuân giáp đầu Hàng Đường (bên số chẵn) có nhiều cửa hàng bán đường mứt, làm các loại bánh cổ truyền (bánh xu xê, bánh mảnh cộng, bánh gấc, bánh cốm), oản bột, bánh khảo, những con giống bằng bột nặn, có hàng cắt giấy bán cho người có điện thờ chư vị, trang trí bàn thờ.
Bên số chẵn cuối dãy giáp phố Hàng Mã có nhiều nhà buôn có cửa hiệu tương đối lớn, mấy nhà xây liền nhau là Hương Lĩnh (buôn tơ sợi số 80), Toàn Thịnh (đóng giày số 84), Đông Mỹ (sản xuất bánh kẹo số 86), nhà thuốc Tây Pharmacie Tín.
Phố Đồng Xuân chỉ có đôi ba cửa hàng của Hoa Kiều: nhà Hà Cự Môn trồng răng giả, trước dọn hàng trong chợ, sau ra phố mở cửa hàng. Nhà Lương Lý bán thực phẩm đồ hộp rượu Tây.
Đoạn cuối phố Hàng Giầy
Khoảng năm 1920, chợ Đồng Xuân được sửa sang lại. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong. Cây cối chặt quang để mở thành đường phố có vỉa hè, có rãnh thoát nước.
Hình ảnh chợ tháng Tư năm 1926
Toàn cảnh 5 khối chợ. Sau vụ cháy năm 1994, khi xây dựng lại chợ, phần mặt tiền chỉ giữ lại 3 khối tam giác, khối thứ nhất và thứ năm đã bị dở bỏ để mở rộng phố Hoàng Khoai và phố Cầu Đông.
Hướng chụp về phố Hàng Khoai. Cả bức ảnh trước và bức ảnh này cho thấy đình Đồng Xuân tồn tại đến những năm 20 của thế kỉ trước.
Nón quai thao đã biến mất trên phố
Áo dài kiểu cách hơn
Người dân khắp mọi nơi khi về đến Hà Nội đều cố gắng đến chợ Đồng Xuân.
Chợ hoa Tết họp trước chợ. Hình dáng của tầu điện này tồn tại đến lúc nó bị xoá sổ khỏi đời sống đường phố Hà Nội. Không rõ mất bao nhiêu năm trôi qua để thương hiệu Nestle xuất hiện trở lại trên các tấm pano quảng cáo tại Hà Nội.
Nhận xét
Đăng nhận xét