Hà Nội Xưa - Phố Hàng Điếu


Phố Hàng Điếu (Rue des Pipes) được bắt đầu từ ngã tư Hàng Gà đến đoạn giữa phố Đường Thành, đó là một con phố không dài nhưng được ra đời từ khá lâu vì tên của phố này có trong bài ca dao 36 phố phường Hà Nội xưa: "Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày/Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn".

Photobucket

Phố Hàng Điếu nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm, xưa nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ của kinh thành Thăng Long. Tổng Tiền Túc vốn có 2 thôn Yên Nội: Yên Nội Cổ Vũ, tức là khu vực phố Hàng Da và Yên Nội Đông Thành, tức khu vực phố Hàng Điếu, Hàng Nón ngày nay.

Cũng như nhiều con phố khác trong khu phố cổ Hà Nội, những tên phố được đặt theo mặt hàng được chuyên sản xuất và mua bán tại đây, ngày xưa, phố Hàng Điếu chuyên bán các loại điếu hút thuốc lào. Các loại điếu bát bằng sứ Giang tây, sứ Bát Tràng… với nhiều hình dáng khác lạ có hình thắt quả bồng, hình trái xoan, hình lục lăng… dát hoa văn bằng đồng, bằng bạc. Xe điếu dài từ 40cm đến 1m20. Loại điếu ống làm bằng gỗ gụ, gỗ trắc khảm vỏ ốc Singapore. Hai loại này thường dùng cho quan lại, nhà giàu có. Sau này ống điếu bằng tre cũng được bày bán, loại này có tên là điếu cày mà đến nay vẫn có khá nhiều người ưa dùng.

Photobucket 

Tuy nhiên, đây không phải là mặt hàng khiến cho đời sống của người dân nâng cao nên dần dần những người dân ở phố Hàng Điếu đã chuyển hướng kinh doanh nhiều mặt hàng khác. Đầu thế kỷ 20, Hàng Điếu chỉ có vài ba nhà làm nghề bịt bạc và chữa các loại điếu hút thuốc lào: điếu bát, điếu ống; đó là nhà số 54 và nhà số 62 gần ngã tư Hàng Nón. Bát điếu lại bán nhiều ở bên phố Bát Đàn gần đó; còn xe điếu bằng trúc chỉ thấy bày bán ở các chợ. Dần dần về sau điếu không phải là mặt hàng nuôi sống được nhà hàng với giá thuê nhà đắt đỏ, thuế cao, nên một nhà đã chuyển sang bán thuốc lào Vĩnh Bảo, và một nhà vẫn giữ nghề cũ và thêm cả nghề hàn gắn những đồ sứ cổ sứt mẻ và bịt bạc ấm chén bát đĩa sứ, nậm rượu.

Photobucket

Thời Pháp thuộc, Hàng Điếu còn có một nghề chính là nghề làm và bán đồ da. Bên số lẻ từ đầu phố giáp ngõ Yên Thái đến Hàng Nón san sát cửa hàng bán giày dép bằng da và guốc gỗ. Cùng là đồ da, Hàng Điếu khác với bên Hà Trung. Thợ bên Hà Trung làm yên ngựa, cặp sách, đồ dùng khác bằng da tây cứng; thợ da Hàng Điếu làm giày dép kiểu cổ thông thường bằng da ta, tức là da lộn, da thuộc sơ sài, dép quai ngang, giày da lợn..., sau ở Hàng Điếu người ta buôn thêm cả thứ guốc gỗ sơn, gọi là guốc Sài Gòn. Một số nhà tự đẽo những đôi guốc mộc bày bán. Sau này guốc được cải tiến, dùng riêng cho từng lứa tuổi, giới tính, sơn màu, hoa văn rực rỡ, hấp dẫn.

Trong thời chiến tranh chống Mỹ, nhiều gia đình ở Hàng Điếu sang sản xuất và buôn bán những loại dép cao su, rồi dép nhựa phục vụ cho cuộc sống của người dân thời bấy giờ.


Mặc dù phố Hàng Điếu không có đặc trưng nổi bật về sản phẩm được sản xuất và mua bán tại đây nhưng ngay đoạn đầu phía bắc phố Hàng Điếu bây giờ, từ Hàng Gà đến phố Bát Đàn, ngày xưa gọi là phố Nhà Hoả, vì trong khu vực đó có đền Thần Hoả (số nhà 30 Hàng Điếu).

Ngày xưa kinh thành Thăng Long chủ yếu là những dãy phố với nhà mái rơm rạ, tre nứa được dựng lên để sinh hoạt và sản xuất của thợ thủ công. Bởi vậy vấn đề phòng và chống hỏa hoạn trong kinh thành rất được coi trọng. Cũng có lẽ bởi chuyện điếu đóm và lửa hẳn có liên quan đến nhau mà phố Hàng Điếu có một ngôi đền cổ thờ Thần Hoả.

Phố xá thủa ấy hay xảy ra những vụ cháy lớn; sách Vũ Trung Tuỳ Bút (cuối thế kỷ 18) có nói đến việc cấm thắp đèn ban đêm, chuyện hút thuốc lào say làm cháy nhà lan ra khắp phố. Đền Thần Hoả dựng năm Minh Mạng 19 (Mậu Tuất 1838), trong đền có treo một quả chuông lớn dùng để báo động khi xảy ra hoả hoạn. Thực ra, về hình thức việc lập đền thờ Hỏa Thần là để cầu mong Thần bằng uy lực của mình trừ hỏa hoạn cho người dân, bảo vệ cuộc sống của người dân kinh thành Thăng Long nhưng ẩn sau bên trong việc làm ấy là chính sách của triều đình nhằm khuyến khích các vị quan địa phương phải luôn lo lắng đến an toàn của cuộc sống dân chúng trong kinh thành.

Ngày nay trên phố Hàng Điếu có bày bán nhiều mặt hàng phục vụ người dân như chè mạn, mứt sen, miến lươn, chăn bông, ga đệm… đáp ứng được phần nào nhu cầu của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân phố cổ. Không còn hình ảnh phố Hàng Điếu bán điếu hút thuốc lào như xưa.


Phố Hàng Điếu. Ảnh của Jules C

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)