Hà Nội Xưa - Phố Hàng Da
Hàng Da (Rue des Cuirs) là một đường phố không dài chưa đến hai trăm rưởi mét, và là một trong năm đường phố đổ về chợ Hàng Da, một đầu thông sang Hàng Bông và thẳng sang phố Quán Sứ.
Phố Hàng Da với các cửa hàng bán giầy dép
Đường phố đó trước kia có cái tên nôm na là phố Thày Bói vì ở trước cửa đền Tam Thánh ( một tên gọi của đình Vũ Du 40 Hàng Da) có nhiều ông bà thày bói bắc chõng ngồi chờ xem cho khách đi lễ và người ta mách nhau đến; còn tên phố Hàng Da thì đến những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thành phố sắp đặt lại tên phố và đặt cho nó tên là Rue des Cuirs. Thực tế phố Hàng Da không có những cửa hàng làm và bán đồ da như ở Hàng Điếu hoặc Hà Trung, mà chỉ có mấy khách trú giàu có làm chủ những xưởng thuộc ngoại thành; họ có những kho chứa hàng tức là da do họ thuộc hoặc buôn ở Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê, hoặc da nước ngoài do mấy hãng sản xuất nhập khẩu Pháp bán. Những người mua da làm hàng là thợ thủ công đóng giày dép , làm va li túi xách ở các phố khác.Cảnh thầy mù xem bói ở Hà Nội xưa
Mặc dù gần chợ mà Hàng Da không có mấy cửa hàng buôn bán, không có nghề thủ công cổ truyền, tuy cũng có một hai nhà làm vàng quỳ, thuê thợ ngồi đập búa ở hè phố, già nửa nhà cửa ở Hàng Da là nhà làm cho những gia đình công chức thuê để ở, chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ. Mãi đến những năm ba mươi, bốn mươikhi việc buôn bán ở Hà Nội phát triển mạnh thì mới có những người đến Hàng Da thuê nhà mở cửa hàng kinh doanh: thợ may Tây ( số 9- 11) ; cửa hàng ăn Phú Xuân ( số 36), nhà Lemur may quần áo nữ tân thời (số 14); nhà Đức Bảo ( số 34, có cổng sau sang Hà Trung) cho thuê xe đám ma cạnh tranh với Louis Chức Hàng Cót. Góc phố giáp Hàng Bông ( nhà số 50) là một cửa hàng lớn chuyên bán máy hát, đĩa hát.Chủ nhà đất ở Hàng Da có tên là Croibier chiếm một khoảng đất lớn ở trước mặt chợ Hàng Da, xây hai dãy nhà nhiều gian trông ra mặt phố Hàng Da và Đường Thành: Nhà số 1 hiệu sơn Gecko, dãy số 9- 11 hiệu may Tây. Còn một chủ đất nữa là Ngõ Thanh Ba, một chủ thầu chuyên buôn đình chùa ở Hà Nội, đã xây dãy nhà số 28- 30- 32.
Nhà số 5 Hàng Da là nhà riêng của Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong. Nhà số 11 là nhà ở của Vũ Bằng, một nhà báo kiêm viết sách. Nhà số 3 là nhà Joseph Trần Đình Trúc mở phòng giấy thày cò chạy việc làm ăn cũng khá, được tiếng. Ngày nay, phố Hàng Da là phố vẫn chuyên kinh doanh các mặt hàng bằng da.
Nhận xét
Đăng nhận xét