Hà Nội Xưa - Phố Hàng Gai


Phố Hàng Gai (Rue du Chanvre) đi từ quảng trường "Đông Kinh Nghĩa Thục" đến Hàng Bông. Xưa kia, đoạn từ Hàng Đào đến Tô Tịch là phố Hàng Tiện. Đoạn còn lại của phố Hàng Gai lại chuyên bán dây đai, dây thừng bằng gai nên có tên là phố Hàng Gai. Không biết từ lúc nào, phố không còn bán loại hàng này, các hàng bán gai đã phải lùi đến phố Bát Đàn. 


Photobucket

Phố Hàng Gai (Rue de Chanvrre) trước năm 1904

Bài viết của Hữu Ngọc. 

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội, ít lâu sau kết thúc chiến tranh thế giới. Tôi còn nhớ lơ mơ là vào năm tôi chín mười tuổi, đường chưa lát đá, rải nhựa nên xe kéo bánh gỗ chạy còn kêu lộc cộc. Thực dân Pháp "bảo hộ Bắc kỳ" đã được gần ba chục năm. Sau khi Pháp chiếm Hà Thành lần thứ hai vào năm 1882, dân ở các phố quanh Hồ Gươm đóng cửa di tản về quê. Chính quyền thực dân đóng trụ sở hành chính tạm ở đình chùa và các nhà vắng chủ. Ở phố Hàng Gai, ngôi nhà số 80-82 ngày nay thành tòa Công sứ của Bonnal. Các nhân viên Pháp và người Nam Kỳ theo ra ở quanh đó. Nha kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp ở số nhà 83, đối diện bên kia đường, gần đình Cổ Vũ, ngay giữa phố, hiện nay cây đa cổ thụ vẫn còn xanh tươi. Thuở bé tôi thường đi dọc ngõ nhỏ bên đình vào xem in sách chữ nho. Thợ khắc và in bản gỗ là người Liễu Chàng Hải Dương, họ đều trọ gần đó, ở phố Tô Tịch hay phố Hàng Hành.

Photobucket

Quan chức Pháp và cộng sự trước nhà công sứ số 80-82 Hàng Gai

Đình Cổ Vũ khá rộng. Tôi còn nhớ có một con ngựa gỗ to và đẹp. Không biết có phải là do thờ thần Bạch Mã (đền chính ở phố Hàng Buồm), thần bảo vệ Hà thành đã chống Cao Biền dùng bùa phép trấn yểm Đại La và giúp Lý Thái Tổ xây thành. Thần được thờ chính ở núi Nùng Hà Nội, gọi là núi Long Đỗ (Bạch Mã cũng là Long Đỗ), nơi kết tinh khí thiêng của Thăng Long. Đình Cổ Vũ còn thờ cả thần Linh Lang là một vị tướng không rõ sống thời nào, được thần thoại hoá và thờ tại nhiều nơi như ở Láng Hạ, Voi Phục.

Photobucket

Đình Cổ Vũ ở số 85, trước cửa có cây đa nhiều rễ, người ta cũng gọi là "Đình Hàng ốc", vì ở cửa đình có hàng ốc nổi tiếng của bà  từ. Ta bắt gặp trong ảnh một người bán rong đồ chơi Trung Thu làm bằng giấy.

Hình như ông tôi (mất khi tôi chưa ra đời) là tiên chỉ phường Cổ Vũ, phụ trách cúng tế ở Đình vì tôi thấy cha tôi, tuy bỏ nho theo Tây học và đi làm thầy ký ở Sở Máy đèn vẫn tiếp tục lo việc ấy. Ông tôi đã rời quê ở Trí Quả (Thuận Thành) Kinh Bắc nhập phường Cổ Vũ. Cụ đỗ Tú tài, không ra làm việc quan, chỉ bốc thuốc và dạy chữ nho. Sau khi cụ mất, đến đời cha tôi, hội đồng môn vẫn đến nhà cúng giỗ.

Ngoài đình Cổ Vũ, Hàng Gai còn có đình phường Đông Hà (nay là số nhà 46) ở phía giáp Hàng Đào. Đình thờ em thần Tản Viên là thần Quy Minh, nay không còn nữa vì bị phá rỡ làm đường.

Photobucket

Đình Đông Hà (không còn) ở cạnh ngõ Tô Tịch. Trước đình có một cây bàng cổ thụ, già và to nhất Hà Nội, rợp cả một khúc phố. Gốc bàng đã thành chỗ nghỉ của các anh xe, các người đi mỏi cẳng.   

Phố cổ Hàng Gai dài có một phần tư cây số, nơi Pháp đặt cơ sở hành chính đầu tiên, có một số đặc điểm: Cũng như ở các phố cổ khác, nhà làm so le ra mặt phố, cái thụt lùi cái nhô ra như hàm răng khểnh. Khoảng thập niên đầu thế kỷ 20 làm vỉa hè, mới cắt xén cho thẳng hàng. Kiểu nhà hình ống (còn thấy nhiều ở Hội An). Nhà hẹp (nhà Nghĩa Lợi cạnh nhà tôi bề ngang chỉ độ 3 mét), nhưng dài có khi đến bảy tám chục mét, có khi cửa sau mở ra một phố khác. Đứng ở gác sân sau nhà tôi trông qua phố Hàng Hành thấy hồ Gươm. Nhà nào cũng chỉ một tầng, có chăng chỉ có gác xép rất thấp ở phía trên cửa ra vào, trổ chiếc cửa sổ nhỏ trông xuống đường, trên có chiếc mái nhỏ. Đó là kiểu "trồng diêm". Nhà chia nhiều khoang cách nhau bởi những sân vuông nhỏ có cây cảnh, chum nước hoặc bể nước, tường vẽ hoa, vẽ phong cảnh, viết câu đối.

Hoạt động buôn bán là chính. Đầu phố sát Hàng Hòm, trước bán thừng, võng gai, do đó gọi là Hàng Gai. Tây sang, các hàng đồ gai chuyển đi nơi khác, các cửa hiệu chuyển sang bán đồ sừng, đồ ngà cho khách nước ngoài và công chức cao cấp. Cuối phố, giữa Tô Tịch và Hàng Đào, phường Đông Hà là nơi người làng Nhị Khê làm đồ tiện gỗ như đồ thờ, ống hương... Cùng với Hàng Đào, Hàng Gai còn nổi tiếng vì các mệnh phụ giầu có buôn tơ lụa. Thời Nhật đóng, có nhà thành triệu phú do dựa thế người Nhật.

Photobucket

Chính phố Hàng Gai, chứ không phải Hàng Mã là nơi bán các loại đồ chơi cho trẻ em làm bằng giấy, trong đó có ông tiến sĩ giấy nổi tiếng.

Photobucket

Một thế giới đầy mầu sắc tạo ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo

Photobucket

Các cửa hàng đặc biệt thu hút trẻ em vào dịp Tết Trung Thu

Phố Hàng Gai năm 1915 - một trong số những bức ảnh mầu đầu tiên trên thế giới  trong 'kho tư liệu hành tinh" của Albert Kahn (xem thêm tại đây)

Phố Hàng Gai có bộ mặt thanh cao, trước hết vì nghề bán sách Hán-Nôm, kể cả bán buôn cho các tỉnh. Cách nhà tôi một nhà có hiệu Thọ Bình bán sách, buổi sáng, cánh cửa lùa hạ xuống kê lên mễ, đặt lên một bức phên thưa bay sách. Hồi còn thi nho học, các sĩ tử hay lượn quanh các cửa hàng sách mua giấy bút để ngắm các cô hàng. Con gái Hàng Gai nổi tiếng nết na, có chữ và thanh lịch. Họ thuộc gia đình một số quan lại về hưu hoặc nhà nho bất đắc chí.

Chuyển sang chữ quốc ngữ, từ in khắc gỗ sang in máy, Hàng Gai thành cái nôi của nhiều tờ báo: Hữu Thanh, Khai Hoá, Khoa Học, nhất là Đông Pháp có nhiều độc giả. Người Hàng Gai nói chung sống có văn hoá. Mẹ tôi biết chữ nho và bốc thuốc, mở cửa hàng tạp hoá Bảo Hợp. Mỗi chủ nhật, thành lệ, các người ăn xin đến đều được cho tiền. Ở cửa nhà, mùa hè đều có một vại nước vối, để ai qua đường khát thì uống.

Cha tôi bỏ Nho học, kiếm ít chữ Pháp làm cho Tây, nhưng vẫn giữ phong cách nho, làm thơ Nôm và thích ca trù. Tuy ông đã ít nhiều Tây hoá, đi giầy "ban", gọi bạn bè bằng "toa" "moa" (anh, tôi) và chơi nhiếp ảnh. Các biển hiệu trong phố đều đề tiếng Pháp.

Thời thế đổi thay... Hàng Gai nay trở thành một phố tầm thường bán đồ cho khách du lịch. Các gia đình cũ chỉ còn lưa thưa. Nhìn lại cây đa cổ thụ mà bâng khuâng...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (5)