Hà Nội Xưa - Phố Hàng Gà


Phố Hàng Gà (Rue Tien Tsin) dài khoảng 228m, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Bắc-Nam, nối phố Hàng Cót với phố Hàng Điếu.

Phố Hàng Gà xây dựng trên nền đất xưa thuộc thôn Tân Lập - Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Hiện nay, đình của thôn Tân Khai ở số nhà 44, phố Hàng Vải và chùa của thôn Tân Khai ở số nhà 16A, phố Hàng Gà.

Lúc đầu, phố Hàng Gà được ghi trên các giấy tờ hành chính là phố Tân Khai vì con đường Tân Khai đi qua đất của thôn, nối từ khu vực Cửa Bắc xuống chợ Đông Thành. Nhưng, nhân dân quen gọi tách riêng đoạn giữa phố Bát Đàn và Cửa Đông là phố Thuốc Nam và đoạn bên trên tiếp với Hàng Cót là phố Hàng Gà.

Phố được gọi là Hàng Gà vì ở đây có những nhà chuyên buôn bán gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, chim bồ câu... tập trung ở bên trên chùa Thái Cam, lối ra chợ Đông Thành, Cầu Đông. Những nhà bán gia cầm không mở cửa hàng mà bán hàng luôn ở trong nhà, với những chiếc lồng to nhốt khoảng năm sáu chục con. Khách quen thường đến nhà mua. Ngoài ra, các loại gia cầm còn được một số gia đình trong phố đem bán tại chợ ở Cửa Đông; một số thì xách đi bán rong các phố, vào các nhà và tiệm ăn là khách hàng quen.

Phố được gọi là Thuốc Nam vì tại đây có nhiều nhà bán thuốc Nam, tập trung từ Nhà Hỏa đến phố Bát Đàn. Các cửa hàng bán thuốc Nam rất đơn giản: gần cửa bày những thúng đựng các vị thuốc sản xuất ở trong nước, có một số vị thuốc nhập của Trung Quốc chưa hoàn chế. Một số cửa hàng nhận cân hộ thuốc Nam cho khách hàng ở tỉnh xa về, nhận đơn rồi lên Hàng Buồm hoặc phố Phúc Kiến cân giao cho khách lấy tiền chênh lệch. Vì trong phố bán thuốc nên có một số cửa hàng đông y xem mạch bốc thuốc, nổi tiếng là hiệu Thụ Đức.

Photobucket

Bức ảnh với chú thích phố Hàng Gà, tuy nhiên trong ảnh mặt hàng bán trên phố thấy toàn rổ rá, thúng mủng và cót (?) 

Thời Pháp thuộc, phố Hàng Gà và Thuốc Nam được gọi chung là phố Thiên Tân hay còn gọi là phố Tiên Sinh (Rue Tien Tsin), để kỷ niệm hiệp ước Thiên Tân ký giữa Pháp và nhà Thanh năm 1885. Nhưng nhân dân vẫn quen gọi đây là phố Hàng Gà - Cửa Đông, vì nơi đây nhiều người thường đem gia cầm đến bán trước Đông Môn (Cửa Đông) và để phân biệt với Dốc Hàng Gà (chỗ chợ Hôm, đầu phố Huế ngày nay). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng chính thức lấy tên phố là phố Hàng Gà.

Phố Hàng Gà là một trong những khu phố cổ của Hà Nội, có từ lâu đời nên nhà cửa đa số có diện tích hẹp, kiểu cổ, mái thấp, một tầng hoặc nhiều gác xép. Từ sau năm 1920, nghề buôn thuốc nam lụi tàn dần, nghề buôn bán gia cầm không còn bày ra phố nữa mà tập trung vào chợ, nên phố Hàng Gà không còn là phố buôn bán nữa. Người dân trong phố lúc này chủ yếu là những công chức bậc trung hay những gia đình có cửa hàng buôn bán ở các phố khác.

Do phố Hàng Gà nằm sát khu quân sự Cửa Đông, nên chiến sự năm 1946-1947 không làm cho nhà cửa trong phố bị thiệt hại nhiều. Đây cũng là thời kì một số nhà trong phố lợi dụng tình hình chiến tranh, đầu cơ mua bán các sản phẩm phục vụ cuộc chiến nên làm giàu nhanh chóng và xây dựng lại nhà theo kiểu mới.

Hiện nay, phố Hàng Gà là một khu phố yên tĩnh so với sự nhộn nhịp của khu vực phố cổ. Tuy nhiên, phố vẫn là một điểm tham quan thú vị đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Ngang

Hà Nội Xưa - Phố Tràng Tiền (1)

Hà nội - Xưa và Nay - phố Tràng Tiền

Villa Schneider - Nhà bát giác bên Hồ Tây

Hà nội - Xưa và Nay - ấp Thái Hà

Hà nội - Xưa và Nay - Vườn hoa Cửa Nam

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Chiếu

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Cót

Hà Nội Xưa - Phố Hàng Đồng

Hà Nội Xưa - Phố Tô Tịch